Iran sẵn sàng ứng phó nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân

Tehran tuyên bố sẵn sàng đối phó với bất kỳ kịch bản nào nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa nước này và nhóm P5+1.
Iran sẵn sàng ứng phó nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ảnh 1Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 8/5, Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri tuyên bố Tehran sẵn sàng đối phó với bất kỳ kịch bản nào nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa nước này và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Đức), có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).

Hãng thông tấn Tasnim dẫn phát biểu của Phó Tổng thống Jahangiri nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng đối phó với bất kỳ kịch bản nào có thể xảy ra… Nếu Mỹ vi phạm thỏa thuận, sẽ là ngây thơ khi đàm phán lại với nước này.”

Cùng ngày, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri tuyên bố năng lực quân sự của Iran có thể ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.

[Nga cảnh báo hậu quả tai hại nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran]

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh để giải quyết bất kỳ thiếu sót nào trong thỏa thuận hạt nhân Iran, song Chính phủ Anh cho rằng quan trọng là duy trì được thỏa thuận lịch sử này.

Phát biểu với báo giới ngày 8/5, người phát ngôn của Thủ tướng Anh nêu rõ: "Chúng tôi tiếp tục cho rằng việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran như một cách tốt nhất để vô hiệu hóa mối đe dọa về một Iran vũ trang hạt nhân là điều đúng đắn. Mặc dù vậy, chúng tôi nhận ra rằng vẫn còn nhiều vấn đề mà thỏa thuận này chưa đề cập tới mà chúng tôi cần phải giải quyết, như tên lửa đạn đạo, những gì sẽ xảy ra khi thỏa thuận hết hạn và hành động gây mất ổn định khu vực của Iran. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mỹ và các đối tác Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết hàng loạt những thách thức, trong đó bao gồm những vấn đề này mà một thỏa thuận mới nên bao hàm."

Cũng đề cập đến Iran, ngày 8/5, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cảnh báo nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực vốn tiềm ẩn nhiều bất ổn, đồng thời kêu gọi tăng cường nỗ lực để cải thiện thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Phát biểu với Đài phát thanh RTL, bà Parly cho rằng có thể chưa hoàn hảo, song JCPOA đã đình chỉ thành công chương trình hạt nhân của Iran. Bà Florence Parly cảnh báo: "Bất kỳ sự leo thang nào liên quan đến Iran có thể là yếu tố làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã hết sức căng thẳng hiện nay. Việc tiếp tục kêu gọi cải thiện thỏa thuận này là hết sức cần thiết cho dù Mỹ có ở lại hay rút khỏi." Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cảnh báo về nguy cơ xảy ra chiến tranh nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận JCPOA.

Tại cuộc gặp diễn ra ở Washington trong chuyến công du Mỹ cuối tháng 4 vừa qua, Tổng thống Macron đã kêu gọi Tổng thống Trump không rút khỏi JCPOA. Theo ông, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn có thể đưa ra một giải pháp để tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân. Cho đến nay, Anh, Pháp và Đức vẫn cam kết bảo đảm thỏa thuận hạt nhân Iran, song nhằm giữ Mỹ ở lại JCPOA, những nước này muốn khởi động đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo và các hoạt động hạt nhân của Iran sau năm 2025 - thời điểm các điều khoản chủ chốt của JCPOA hết hạn, cũng như vai trò của Tehran trong cuộc khủng hoảng Trung Đông như các cuộc xung đột Syria và Yemen hiện nay.

Đề cập đến JCPOA, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cảnh báo tại buổi họp báo ngày 8/5 rằng nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, tình huống sẽ “rất nghiêm trọng,” Moskva sẽ xem xét và có quyết định ở cấp lãnh đạo cao nhất.

Theo ông Peskov, tình huống nghiêm trọng ở đây liên quan đến những hậu quả khi hệ thống thỏa thuận dù mong manh nhưng không thể thay thế giữa các nước liên quan đến hồ sơ hạt nhân Iran và về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân không còn tồn tại. Ông Peskov khẳng định quan điểm của Nga hoàn toàn trùng với đường lối cua các lãnh đạo châu Âu, không ủng hộ phá vỡ thỏa thuận này.

Tổng thống Trump luôn cho rằng JCPOA là một thỏa thuận "tồi tệ nhất" trong lịch sử của Mỹ và tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận này từ ngày 12/5 nếu nội dung văn bản không được sửa đổi theo hướng cứng rắn hơn với Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.