Saudi Arabia sẽ phải hứng chịu "cuộc báo thù thần thánh"

Iran: Saudi Arabia sẽ phải hứng chịu "cuộc báo thù thần thánh"

Đại Giáo chủ Ali Khamenei ngày 3/1 cảnh báo Saudi Arabia sẽ phải đối mặt với "cuộc báo thù thần thánh" liên quan tới việc Riyadh xử tử Giáo sỹ Nimr al-Nimr.
Giáo sỹ Nimr al-Nimr. (Nguồn: Reuters)

Lãnh tụ tinh thần của Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei ngày 3/1 cảnh báo Saudi Arabia sẽ phải đối mặt với "cuộc báo thù thần thánh" liên quan tới việc Riyadh xử tử Giáo sỹ Nimr al-Nimr.

Đại Giáo chủ Ali Khamenei nhấn mạnh việc hành quyết Giáo sỹ al-Nimr là "sai lầm" của Chính phủ Saudi Arabia.

Giáo sỹ Nimr al-Nimr, 56 tuổi, là giáo chức cao cấp của hệ phái Shi'ite, một gương mặt nổi bật của phong trào phản kháng triều đại Al-Saoud theo hệ phái Sunni. Hồi tháng 10/2014, nhân vật này bị tòa án đặc biệt của Saudi Arabia kết án tử hình vì tội "nổi loạn", "bất phục tùng Quốc vương" và tàng trữ vũ khí.

Iran, quốc gia theo hệ phái Hồi giáo Shi'ite, đã nhiều lần cảnh báo Saudi Arabia không nên hành quyết giáo chức Shi'ite nói trên. Việc Chính quyền Riyadh vẫn tiến hành xử tử Giáo sỹ Al- Nimr đã gây ra làn sóng tức giận ở Iran và khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Mỹ cho rằng việc Saudi Arabia tử hình Giáo sỹ dòng Shi'ite nổi tiếng có thể làm trầm trọng thêm thực trạng cạnh tranh phe phái ở Trung Đông.

Trước đó một ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaber Ansari cáo buộc Chính phủ Saudi Arabia hỗ trợ các phong trào khủng bố và phần tử cực đoan, trong khi đàn áp và xử tử những nhân vật đối lập chỉ trích ở trong nước, đồng thời cảnh báo nước này sẽ phải trả giá đắt cho những chính sách này.

Hiện các cuộc biểu tình của người dân Iran tại Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran phản đối việc Saudi Arabia xử tử Giáo sỹ al-Nimr vẫn chưa có dấu hiệu vãn hồi. Khoảng 40 người biểu tình quá khích đã bị bắt giữ.

Đáp lại sự chỉ trích của Iran, Chính phủ Saudi Arabia cáo buộc Iran "có khuynh hướng bè phái mù quáng."

Quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia đã trở nên cẳng thẳng sau khi Riyadh thông báo xử tử 47 người bị kết tội "khủng bố," trong đó có Giáo sỹ al-Nimr. Hai nước đã triệu đại diện ngoại giao của nhau để phản đối xung quanh vụ việc này.

Hiện chỉ có Chính phủ Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là bày tỏ ủng hộ quyết định hành quyết các đối tượng bị kết tội khủng bố của Saudi Arabia và cho rằng việc này là cần thiết để chấm dứt chủ nghĩa cực đoan.

Liên hợp quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Iraq cũng đã lập tức lên tiếng chỉ trích và bày tỏ quan ngại trước quyết định của Saudi Arabia hành quyết 47 người, trong đó có Giáo sỹ al-Nimr./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục