Phản ứng của quốc tế việc Saudi Arabia xử tử giáo sỹ Nimr al-Nimr

Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời cảnh báo rằng vụ việc này có thể gây ra "các hậu quả nghiêm trọng" đối với khu vực.
Phản ứng của quốc tế việc Saudi Arabia xử tử giáo sỹ Nimr al-Nimr ảnh 1Người biểu tình phản đối phán quyết tử hình đối với giáo sỹ Nimr al-Nimr. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/1, thông báo của Saudi Arabia xử tử 47 người bị kết tội "khủng bố," trong đó giáo sỹ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr, đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế và làm dấy lên làn sóng biểu tình tại ít nhất một thành phố của tỉnh Eastern giàu dầu mỏ của nước này, nơi người Shi'ite bất mãn về việc bị phân biệt đối xử.

Phản ứng trước quyết định xử tử giáo sỹ al-Nimr - nhân vật chủ chốt trong làn sóng biểu tình nổ ra hồi năm 2011 ở miền Đông Saudi Arabia, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời cảnh báo rằng vụ việc này có thể gây ra "các hậu quả nghiêm trọng" đối với khu vực.

Trong khi đó, Mỹ đã cảnh báo Saudi Arabia, quốc gia có người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số, rằng việc nước này xử tử giáo sỹ Nimr al-Nimr sẽ khiến Riyadh phải đối mặt với "nguy cơ gia tăng căng thẳng tôn giáo."

Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cũng hối thúc Saudi Arabia "tôn trọng và bảo vệ" nhân quyền, đảm bảo việc xét xử minh bạch và công bằng trong tất cả các vụ án. Ông cũng tái khẳng định sự cần thiết của việc các nhà lãnh đạo Trung Đông cần tăng gấp đôi nỗ lực để giảm leo thang căng thẳng khu vực.

Tại Iraq, hàng trăm người đã biểu tình phản đối tại thành phố Karbala linh thiêng của người Shiite.

Nhà lập pháp Khalaf Abdelsamad đã kêu gọi đóng cửa Đại sứ quán của Saudi Arabia tại thủ đô Baghdad và hối thúc chính phủ trục suất Đại sứ Saudi Arabia. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng cho rằng vụ Riyadh xử tử ông al-Nimr có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với an ninh khu vực.

Tối cùng ngày, những người biểu tình Iran phản đối việc Saudi Arabia xử tử giáo sỹ Hồi giáo dòng Shi'ite Nimr al-Nimr đã đốt phá Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran.

Cảnh sát đã giải tán đám đông biểu tình và bắt giữ một số đối tượng cướp phá khu vực này. Tuy nhiên, một số người đã ném đá và rượu vào Đại sứ quán gây ra hỏ hoạn. Trong khi đó, một nhóm biểu tình khác đã đốt phá một số khu vực của Lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Đông Bắc Mashhad.

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Iran hối thúc cảnh sát bảo vệ các khu đoàn ngoại giao Saudi Arabia tại nước này và ngăn các cuộc biểu tình trước khu vực trên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaber Ansari nêu rõ Chính phủ Saudi Arabia đã hỗ trợ các phong trào khủng bố và phần tử cực đoan, trong khi đàn áp và xử tử những nhân vật đối lập chỉ trích ở trong nước, đồng thời cảnh báo nước này sẽ phải trả giá đắt cho những chính sách này.

Trước đó, Chính phủ Iran đã triệu Đại biện lâm thời Saudi Arabia tại Tehran tới để phản đối vụ Riyadh xử tử giáo sỹ al-Nimr.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia thông báo đã triệu đại sứ Iran tại Riyadh đến để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với những tuyên bố "thù địch" của Iran về vụ việc trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Saudi Arabia Mansur al-Turki đã gọi phản ứng của Iran là "vô trách nhiệm."

Hiện chỉ có Chính phủ Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab (UAE) là lên tiếng ủng hộ quyết định trên của Saudi Arabia và cho rằng việc này là cần thiết để chấm dứt chủ nghĩa cực đoan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.