Ngày 4/9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết trong vòng hai ngày tới, Iran sẽ thông báo "bước đi mới" để thu hẹp cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân ký mà quốc gia Hồi giáo này ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), còn có tên gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Thông báo trên của người đứng đầu nhà nước Iran là động thái tiếp theo của quốc gia Hồi giáo này nhằm gia tăng sức ép đối với châu Âu sau lời cảnh báo do người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei công bố ngày 2/9, đe dọa Tehran sẽ "có bước đi lớn" ra khỏi JCPOA, nếu đến hạn chót ngày 6/9, châu Âu không đề xuất được các cách thức mới để Iran xuất khẩu dầu mỏ bảo vệ các lợi ích kinh tế của nước này trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
[Iran đòi 15 tỷ USD để tuân thủ trở lại cam kết thỏa thuận hạt nhân]
Tổng thống Rouhani cho biết "bước đi mới là để Iran tăng cường các hoạt động trong chương trình hạt nhân Iran," đặc biệt trong bối cảnh Iran cho rằng không thể đạt được thỏa thuận với các nước châu Âu về việc đưa ra cách thức để Iran nhận được 15 tỷ USD tiền bán dầu trong 4 tháng theo đúng thời hạn chót Tehran yêu cầu là ngày 6/9.
Trước đó, giới chức Iran cảnh báo bước đi tiếp theo của nước này sẽ "mạnh hơn" và có thể bao gồm làm giàu urani ở mức 20% hoặc tái khởi động các máy ly tâm làm giàu urani.
Tổng thống Iran cho biết Tehran đang trong quá trình đàm phán với Pháp, Anh và Đức để cứu thỏa thuận JCPOA.
Theo ông, hai bên đã tiến gần tới một thỏa thuận song chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng để giải quyết các bất đồng vì vẫn còn một số vấn đề chưa đạt được nhất trí.
Cùng ngày, truyền hình nhà nước Iran đưa tin quốc gia này đã bác bỏ đề xuất của các nước châu Âu cho vay 15 tỷ USD nhằm bảo vệ kinh tế của Iran tránh được những tác động từ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt với Iran.
Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi Pháp đề xuất mức tín dụng 15 tỷ USD cho tới cuối năm nay với điều kiện Iran trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân.
Theo Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, mức tín dụng trên sẽ được đảm bảo bằng các khoản thu từ dầu mỏ của Iran, và các bên liên quan đang đàm phán về gói tín dụng này.
Sau khi quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA hồi tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump đã áp đặt các trừng phạt mới nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ của Iran - lĩnh vực xuất khẩu quan trọng hàng đầu của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Pháp hiện đang nỗ lực thuyết phục Mỹ miễn cho Iran một số biện pháp trừng phạt trong số này./.