Ngay sau cuộc đàm phán hạt nhân song phương với Mỹ, ngày 11/6, tại Geneva (Thụy Sĩ), Iran tiếp tục tiến hành đàm phán hạt nhân song phương với Pháp nhằm thu hẹp bất đồng giữa các bên về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Sau cuộc đàm phán, Trưởng phái đoàn Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi, khẳng định đây là cuộc tham vấn hữu ích.
Trước đó, ngày 10/6, Iran và Mỹ đã kết thúc cuộc đàm phán kéo dài hai ngày về vấn đề hạt nhân của Tehran. Theo ông Abbas Araqchi, cuộc đàm phán diễn ra "căng thẳng, khó khăn, nhưng tích cực và có kết quả." Tuy nhiên, hai bên vẫn bất đồng về các vấn đề chủ chốt liên quan tới chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hàng tuần, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham cho rằng mục đích của các cuộc đàm phán song phương là để có thêm nhiều thời gian trước khi tiến tới vòng đàm phán cấp cao giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) từ ngày 16-20/6 tới ở Vienna (Áo) nhằm soạn thảo các chi tiết cho thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran.
Dự kiến, các nhà đàm phán Iran sẽ lên đường đến Rome, Italy tiến hành đàm phán với Nga ngày 12/6, và với Đức tại Tehran vào ngày 15/6.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 11/6 tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ cố gắng hết sức để đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân với nhóm P5+1.
Ông Rouhani cho biết Iran sẵn sàng đàm phán với các bên, kể cả về chương trình hạt nhân cũng như việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này./.