Iran và Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược

Iran đang xem xét lời đề nghị từ Bắc Kinh để làm hồi sinh một thỏa thuận, kèm theo việc tăng cường mối quan hệ an ninh và quân sự giữa hai nước.
Iran và Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ảnh 1Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 13/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang The Strategist của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) đã đăng bài viết của chuyên gia Ian Dudgeon, Viện Các vấn đề Quốc tế Australia, cho biết Iran đang xem xét lời đề nghị từ Bắc Kinh để làm hồi sinh một thỏa thuận, kèm theo việc tăng cường mối quan hệ an ninh và quân sự giữa hai nước.

Điều này có thể mang lại cho Trung Quốc một chỗ đứng chiến lược mới ở Trung Đông. Sau đây là nội dung bài viết:

Đầu tháng Bảy, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif thông báo cho các nghị sỹ nước này rằng một thỏa thuận hợp tác chiến lược có thời hạn 25 năm giữa Iran và Trung Quốc đang được "xem xét."

Thỏa thuận này không phải là một sáng kiến mới mà là sự đổi mới và cập nhật văn kiện "đối tác chiến lược toàn diện" đã được Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký tại Tehran vào tháng 1/2016.

Mới có rất ít chi tiết về quan hệ đối tác năm 2016 và 17 hiệp định mà ông Tập cũng đã ký vào thời gian đó được tiết lộ. Được biết, văn kiện này đề ra lộ trình nâng cấp quan hệ song phương và bao gồm các dự án thương mại và đầu tư hai chiều trị giá 600 tỷ USD trong 10 năm tiếp theo.

Xuất khẩu của Iran sang Trung Quốc được xác định chủ yếu là dầu, khí đốt và các sản phẩm hóa dầu khác. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Iran và dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chính của Iran sang Trung Quốc.

Đầu tư của Trung Quốc vào Iran sẽ tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, sản xuất và vận tải với các dự án đường bộ, đường sắt và cảng liên quan đến sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

Việc hiện thực hóa quan hệ đối tác và các khoản đầu tư liên quan phụ thuộc vào việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt toàn cầu đối với Iran và được dự kiến sẽ bắt đầu ngay sau khi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) có hiệu lực vào ngày 16/1/2016.

[Thỏa thuận Trung Quốc-Iran và tác động đối với khu vực]

Sau khi ký kết thỏa thuận trên, Trung Quốc dường như đã đình hoãn việc thực hiện hầu hết các nội dung của thỏa thuận. Lý do chính là Trung Quốc muốn giải quyết những phức tạp trong mối quan hệ với Mỹ.

Tình hình càng trở nên phức tạp hơn sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA vào tháng 5/2018 và áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương.

Ông Zarif cho đến nay vẫn tiết lộ rất ít chi tiết về thỏa thuận mới. Theo thông tin có được cho đến nay, ngoài thương mại và đầu tư, thỏa thuận này còn bao gồm hợp tác an ninh, quân sự và tình báo.

Thương mại và đầu tư hai chiều trị giá 400 tỷ USD, trong đó Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 280 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng của Iran và 120 tỷ USD vào vận tải, viễn thông và sản xuất.

Lợi ích chủ yếu đối với cả hai bên là Trung Quốc đảm bảo mua dầu của Iran trong vòng 25 năm, được cho là với mức giá chiết khấu, và Iran đảm bảo cung cấp lượng dầu này, với điều kiện có sự ổn định lâu dài ở Trung Đông cho việc cung cấp này.

Đối với Iran, mối quan hệ đối tác mới sẽ là một huyết mạch kinh tế quan trọng và hết sức cần thiết giúp nước này vượt qua được những khó khăn gây ra bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các thỏa thuận tài chính song phương sẽ cho phép giao dịch nguồn tài nguyên xuất khẩu chính của Iran, dầu mỏ, mà không phải thông qua các hệ thống tài chính và ngân hàng quốc tế. Nền kinh tế của Iran cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể từ các ngành công nghiệp mới và được nâng cấp cũng như việc làm mới mà các ngành này tạo ra.

Đối với Trung Quốc, các lợi ích bao gồm nguồn cung cấp dầu được đảm bảo dài hạn với mức giá chiết khấu, sử dụng Iran làm trung tâm để phát triển hành lang giao thông đường bộ BRI giữa miền Tây Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, và các cơ hội tiếp thị và sản xuất hàng hóa Trung Quốc.

Nếu điều này xảy ra, châu Âu sẽ là bên phải gánh chịu thiệt hại do đang phải chịu các hạn chế hoặc bị đe dọa nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều này chứng tỏ rằng, bất chấp căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc vẫn có thể theo đuổi thành công các lợi ích địa chính trị và kinh tế cũng như đảm bảo một chỗ đứng chiến lược mới ở khu vực Trung Đông.

Thời điểm mà ông Zarif đưa ra thông báo, có lẽ đã được người Trung Quốc đồng ý, chắc chắn đã được tính toán để làm rung chuyển giới chính trị Mỹ, và đặc biệt là với mục đích gây khó chịu cho ông Trump khi cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào tháng 11 tới.

Thông điệp chính mà Iran muốn đưa ra là nước này có thể tồn tại, bất chấp chiến dịch "gây áp lực tối đa" của ông Trump để buộc Iran phải thay đổi chế độ.

Đáp lại thông báo của ông Zarif, trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hành động của Trung Quốc sẽ gây "bất ổn cho Trung Đông". Ông nói vũ khí và tiền từ Trung Quốc sẽ cho phép Iran tiếp tục là "nhà tài trợ khủng bố lớn nhất thế giới" và đặc biệt, gây rủi ro cho Israel, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).

Ba quốc gia này được nêu tên cụ thể vì cả ba đều đang có mối quan hệ ngày càng tăng với Trung Quốc và có thể gây áp lực lên Trung Quốc nhằm hạn chế phạm vi thỏa thuận với Iran.

Trung Quốc và Iran có thể từ từ thúc đẩy tiến độ thực hiện thỏa thuận. Nhiều khả năng hai nước sẽ chưa tiết lộ nhiều chi tiết của thỏa thuận cho đến khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Iran sẽ cân nhắc đến các vấn đề quan trọng như liệu Mỹ có tham gia lại JCPOA hay không, và nếu có thì với điều kiện nào và liệu nước này có dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện nay hay không.

Iran cũng sẽ bác bỏ bất kỳ nội dung nào trong thỏa thuận với Trung Quốc đòi hỏi bất kỳ sự nhượng bộ nào về chủ quyền đất đai hoặc các nguồn tài nguyên quốc gia quan trọng, hoặc có thể tạo ra bất kỳ bẫy nợ tiềm năng nào, như đã xảy ra với các nước khác.

Các ranh giới nghiêm ngặt về chủ quyền đã được ghi rõ trong hiến pháp của Iran. Iran cũng sẽ nhấn mạnh rằng bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng mới nào đều phải sử dụng lao động trong nước và không được thuê lao động từ Trung Quốc.

Các lợi ích chính trị, kinh tế và chiến lược của Trung Quốc ở Trung Đông cũng có tác động lớn trong khu vực và Bắc Kinh sẽ cẩn trọng để không làm ảnh hưởng đến các nước khác cũng như làm phương hại đến lợi ích rộng lớn hơn của mình trong các giao dịch với Iran.

Trung Quốc sẽ chú ý đến lập trường của Saudi Arabia, UAE, các quốc gia vùng Vịnh khác và Israel, đồng thời tìm cách đạt được sự cân bằng có thể chấp nhận được về các lợi ích tương ứng.

Vào ngày 6/8, hãng tin Al Jazeera trích dẫn các tin tức truyền thông Ấn Độ rằng mối quan hệ của Ấn Độ với Iran có thể là bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận mới với Trung Quốc. Tin tức cho rằng Iran đã hủy bỏ kế hoạch cho phép Ấn Độ xây dựng một tuyến đường sắt giữa thành phố cảng Chabahar và Zahedan, gần biên giới Afghanistan.

Nếu hoàn thành, dự án này có thể cung cấp cho Ấn Độ một tuyến đường thương mại tới Afghanistan và Trung Á. Ấn Độ cũng có thể cạnh tranh với các đề xuất phát triển thương mại của Trung Quốc với các nước này dọc theo các tuyến đường được nâng cấp trong khuôn khổ BRI đi qua Pakistan.

Trong khi chờ các tin tức của Ấn Độ được làm rõ, dường như Iran sẽ không hy sinh mối quan hệ lâu dài với Ấn Độ. Về phần Trung Quốc, nước này cũng sẽ tìm cách cân bằng lợi ích của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.