Hãng thông tấn bán chính thức ISNA của Iran dẫn lời người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử nước này, ông Behrouz Kamalvandi xác nhận cấp độ làm giàu urani của Iran đã vượt mức 4,5% vào ngày 8/7, vượt xa mức cho phép theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc.
Ông Kamalvandi tuyên bố: "Sáng nay, Iran đã vượt qua cấp độ làm giàu urani 4,5%... Đây là cấp độ tinh khiết hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu để làm nguyên liệu cho nhà máy điện của đất nước (Iran)."
Trước đó, người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov ngày 8/7 tuyên bố Nga lấy làm tiếc về việc Iran giảm bớt cam kết về Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận.
Ông Peskov nhấn mạnh: "Nga vẫn tiếp tục nỗ lực ngoại giao. Chúng tôi cũng chờ đợi kết quả làm việc của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ nhóm họp trong những ngày tới."
Ông Peskov cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng tình hình gây quan ngại nhưng cho biết Nga sẽ tiếp tục đối thoại và nỗ lực trên mặt trận ngoại giao, đồng thời vẫn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân JCPOA.
['Trung Quốc chỉ trích Mỹ khiến khủng hoảng hạt nhân Iran leo thang']
Cũng trong ngày 8/7, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về kế hoạch của Iran vượt qua mức làm giàu urani theo thỏa thuận hạt nhân 2015, đồng thời kêu gọi Tehran hủy bỏ kế hoạch này.
Người phát ngôn EU Maja Kocijancic tuyên bố :"Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Iran ngừng và hủy bỏ mọi hoạt động đi ngược lại các cam kết trong JCPOA."
Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố cần phải thuyết phục Iran tuân thủ các cam kết của nước này theo thỏa thuận hạt nhân 2015.
Phát biểu họp báo chính phủ thường kỳ, người phát ngôn này nêu rõ: "Chúng tôi muốn duy trì thỏa thuận này."
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran và là trường đoàn đoàn phán Iran về JCPOA Abbas Araqchi tuyên bố Iran từ ngày 7/7 sẽ chuyển sang giai đoạn 2 giảm bớt cam kết về JCPOA về chương trình hạt nhân và bắt đầu làm giàu urani cao hơn mức 3,67%.
Việc giảm bớt cam kết về thỏa thuận hạt nhân sẽ diễn ra mỗi 60 ngày nếu các bên tham gia thỏa thuận không tuân thủ các thỏa thuận đạt được.
Ông Araqchi cũng cho biết cánh cửa ngoại giao vẫn mở, tuy nhiên cần những sáng kiến mới để giải quyết tình hình hiện nay.
Vấn đề hạt nhân Iran trở nên căng thẳng đột ngột sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA ngày 8/5/2018 và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran trong lĩnh vực xuất khẩu dầu.
Sau đó đúng 1 năm, ngày 8/5/2019, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran tạm dừng một phần cam kết về thỏa thuận hạt nhân và cho các bên tham gia thỏa thuận 2 tháng để quay trở lại thực hiện thỏa thuận.
JCPOA được ký kết giữa Iran với 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (Nga, Anh, Trung Quốc, Mỹ, Pháp) và Đức năm 2015.
Thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc và các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ và EU.
Iran cam kết trong vòng 15 năm không làm giàu urani vượt mức 3,67% và duy trì mức urani làm giàu ở mức không vượt quá 300kg cũng như không xây dựng thâm các lò phản ứng nước nặng, không tích lũy nước nặng và không phát triển thiết bị nổ hạt nhân./.