Iran xác nhận lượng dự trữ nguyên liệu hạt nhân vượt quá giới hạn

Hãng thông tấn Iran ISNA dẫn lời Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nêu rõ Iran đã vượt quá hạn mức 300 kg dự trữ urani theo thỏa thuận JCPOA.
Iran xác nhận lượng dự trữ nguyên liệu hạt nhân vượt quá giới hạn ảnh 1Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan ở cách thủ đô Tehran 420km về phía nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 1/7 xác nhận lượng dự trữ urani làm giàu của Iran đã vượt quá phạm vi giới hạn của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), mà Tehran đã ký với các cường quốc phương Tây.

Hãng thông tấn Iran ISNA dẫn lời Ngoại trưởng Zarif nêu rõ Iran đã vượt quá hạn mức 300kg dự trữ urani theo thỏa thuận JCPOA.

Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước, ông Zarif còn tuyên bố Iran sẽ "không bao giờ" đầu hàng trước sức ép của Mỹ và nếu muốn đàm phán với Tehran, Washington nên "thể hiện sự tôn trọng."

Trước đó cùng ngày, hãng tin bán chính thức Fars News dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết lượng urani làm giàu mà Iran lưu trữ đã vượt quá hạn mức 300kg theo JCPOA.

[Iran khẳng định khởi động tiến trình làm giàu urani cấp độ cao hơn]

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát hoạt động hạt nhân của Iran - sau đó cho biết các thanh sát viên thuộc cơ quan Liên hợp quốc này đang kiểm tra xem liệu Iran có dự trữ một lượng urani làm giàu quá mức cho phép hay không.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 quy định Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết.

Bên cạnh đó, Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300 kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.

Tuy nhiên, mức giới hạn này sẽ không còn được Iran áp dụng sau khi Tehran hồi tháng 5 vừa qua tuyên bố ngừng thực hiện một số cam kết tự nguyện trong thỏa thuận hạt nhân.

Theo JCPOA, Iran sẽ phải hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.