Ngày 9/6, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố châu Âu không có quyền chỉ trích Tehran vì năng lực quân sự của nước này, đồng thời kêu gọi lãnh đạo các nước châu Âu bình thường hóa quan hệ kinh tế với nước cộng hòa Hồi giáo, hoặc phải đối mặt với hậu quả.
Ông Zarif nêu rõ: "Các nước châu Âu không có quyền chỉ trích Iran vì những vấn đề nằm ngoài Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA- tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran).
Châu Âu và các nước tham gia JCPOA cần bình thường hóa quan hệ kinh tế với Iran... Chúng tôi sẽ ngừng các cam kết của mình hoặc sẽ có hành động tương xứng."
Ngoại trưởng Iran đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Ngoại trưởng Đức Heiko Maas sẽ tới Iran vào ngày 10/6 với mục đích thăm dò các phương án nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân mong manh này.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cũng lên tiếng chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì tuyên bố hồi tuần trước trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng "Paris và Washington có chung quan điểm trong vấn đề Iran."
Tổng thống Macron tuyên bố Pháp muốn đảm bảo Tehran sẽ không có được vũ khí hạt nhân.
[Ngoại trưởng Đức tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran]
Hãng thông tấn Fars dẫn lời ông Larijani nhấn mạnh: "Phát ngôn của Tổng thống Macron không phù hợp với những gì ông ấy nói với Tổng thống của chúng tôi, Hassan Rouhani, trong các cuộc gặp trực tiếp và qua điện thoại."
Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức) quy định Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân.
Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thông báo sau 60 ngày, Iran sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani.
Đây cũng chính là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng để phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ và thúc đẩy thương mại./.