Ngày 14/4, Iran đã yêu cầu Ủy ban Liên hợp quốc về quan hệ với nước chủ nhà tiến hành cuộc họp đặc biệt về việc Mỹ từ chối cấp thị thực cho tân Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Hamid Aboutalebi.
Chủ tịch ủy ban trên, Đại sứ Cyprus tại Liên hợp quốc Nicholas Emiliou, cho biết Iran đã yêu cầu một cuộc họp giữa 19 thành viên trong ủy ban chuyên phụ trách các vấn đề liên quan đến thị thực, nhập cư và an ninh này.
Tuy nhiên, ông Emiliou khẳng định Iran không yêu cầu bất cứ hành động cụ thể nào từ phía ủy ban mà chỉ lưu ý ủy ban quan tâm đến vấn đề trên ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Trước đó, ngày 11/4, Nhà Trắng chính thức bác bỏ việc cấp thị thực cho Đại sứ mới được bổ nhiệm của Iran tại Liên hợp quốc với lý do quan chức này có liên quan đến cuộc khủng hoảng con tin Mỹ tại Iran hồi năm 1979.
Tehran đã lập tức phản ứng lại quyết định của Washington, cho rằng đây là "hành động không thể chấp nhận được" và sẽ đẩy tình hình đến chỗ bế tắc, đi ngược lại những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ hai nước sau nhiều thập kỷ "đóng băng."
Tuyên bố phản đối của phái bộ Iran tại Liên hợp quốc khẳng định quyết định này đi ngược lại luật pháp quốc tế, nghĩa vụ của một nước chủ nhà và quyền của các nước thành viên Liên hợp quốc về việc chỉ định đại diện tại thể chế đa phương này.
Theo thông lệ, do là nước mà Liên hợp quốc đặt trụ sở, Mỹ có nghĩa vụ cấp thị thực cho các nhà ngoại giao nước ngoài tới làm việc tại cơ quan này.
Tuy nhiên, Washington đã từ chối cấp thị thực cho ông Aboutalebi với lý do nhà ngoại giao này từng là thành viên của nhóm Hồi giáo vũ trang tiến hành vụ bắt cóc 52 người Mỹ trong cuộc khủng hoảng năm 1979 khiến quan hệ song phương đổ vỡ.
Mặc dù ông Aboutalebi đã khẳng định không tham gia vụ bắt cóc này nhưng phía Mỹ vẫn quy kết ông là "phần tử khủng bố"./.