Giới chức miền Bắc Iraq ngày 16/10 đã công bố một “công viên khảo cổ” gồm những bức phù điêu nghệ thuật bằng đá có từ thời những vị vua Assyria cách đây 2.700 năm, với hình ảnh các vị vua đang cầu nguyện trước các vị thần.
13 bức phù điêu chạm khắc trên đá tuyệt đẹp đã được khéo léo lồng vào những bức tường của một kênh thủy lợi dài khoảng 10km tại Faida, miền Bắc Iraq.
Các tấm phù điêu rộng 5m và cao 2m, có niên đại từ thời trị vì của vua Sargon II (721-705 trước Công nguyên) và con trai của ông là Sennacherib.
[Phát hiện sàn nhà cổ trang trí tranh khảm quý hiếm tại Gaza]
Ông Bekas Brefkany, quan chức của cơ quan khảo cổ ở Dohuk thuộc khu tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq (Kurdistan), cho biết có khả năng trong tương lai nơi đây sẽ tiếp tục phát hiện nhiều cổ vật khác.
Theo ông, Faida là một trong 5 công viên mà chính quyền khu vực hy vọng sẽ hợp thành dự án quy mô lớn nhằm biến đây thành “điểm thu hút khách du lịch và nguồn thu ngân sách.”
Các bức phù điêu trên đã được phát hiện trong các cuộc khai quật do các nhà khảo cổ học ở khu vực người Kurd và Đại học Udine của Italy thực hiện những năm gần đây.
Giáo sư Daniele Morandi Bonacossi, chuyên về khảo cổ học Cận Đông của đại học trên, cho biết mặc dù tại Iraq còn nhiều công trình phù điêu khác, nhưng chưa có tác phẩm nào “đồ sộ và vĩ đại” như vậy.
Iraq là quốc gia có những thành phố cổ xưa nhất thế giới.
Đây từng là nơi sinh sống của người Assyria, người Sumer và Baybilon và là nơi tìm thấy những bằng chứng đầu tiên về chữ viết của con người./.