Iraq kêu gọi NATO gây sức ép Thổ Nhĩ Kỳ rút quân

Iraq kêu gọi NATO gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân

Thủ tướng Iraq khẳng định quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập lãnh thổ Iraq mà "không thông báo, cũng như không được phép," vì vậy Iraq đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ rút quân "trong vòng tối đa hai ngày."
Iraq kêu gọi NATO gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân ảnh 1Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP)

Ngày 8/12, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ rút quân đội ngay lập tức khỏi lãnh thổ Iraq.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông Abadi khẳng định quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập lãnh thổ Iraq mà "không thông báo, cũng như không được phép của Chính phủ Iraq," vì vậy thông qua các kênh ngoại giao, Iraq đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ rút quân "trong vòng tối đa hai ngày."

Thủ tướng Abadi nhấn mạnh rằng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đã "vi phạm chủ quyền của Iraq, và NATO cần sử dụng quyền lực của mình để buộc Thổ Nhĩ Kỳ lập tức rút quân đội khỏi lãnh thổ Iraq."

Trong một thông báo trước đó, Hội đồng Bộ trưởng Iraq (do ông Abadi đứng đầu) cũng khẳng định chủ quyền và các đường biên giới địa lý của Iraq là "giới hạn đỏ," nhất là khi giữa hai nước không tồn tại thỏa thuận nào cho phép Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm biên giới dưới bất kỳ lý do nào. Hội đồng này cũng đã giao thẩm quyền cho ông Abadi tiến hành mọi biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề liên quan đến việc này.

Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp kín về hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria và Iraq trong ngày 8/12. Cuộc họp sẽ do Mỹ chủ trì, nước này đang nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ tháng 12, và hiện đang đứng đầu một liên quân quốc tế chống IS tại Iraq và Syria.

Theo Đại sứ Churkin, Nga cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã "có thái độ coi thường và không giải thích" khi đưa quân vào Iraq mà không được phép của chính phủ Iraq.

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq là "nhân tố cực kỳ nghiêm trọng gây căng thẳng" và coi đây là hành động phi pháp. Trước đó, căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã leo thang sau khi Ankara bắn hạ một máy bay ném bom của Nga ở biên giới của Syria hôm 24/11.

Tuy nhiên, sau khi Đại sứ Nga đề nghị Hội đồng Bảo an nhóm họp về vấn đề trên, Đại sứ Iraq tại Liên hợp quốc Mohamed Ali Alhakim cho biết Baghdad và Ankara đang tiến hành các cuộc tiếp xúc song phương nhằm giải quyết vụ việc.

Phát biểu với báo giới, ông Alhakim cho biết Iraq không đề nghị đưa vấn đề ra trước Hội đồng Bảo an hay Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng là các cuộc thảo luận song phương "đang đi đúng hướng và rất hiệu quả." Ông Alhakim cho rằng Nga đã không tham vấn Iraq trước khi đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an.

Trước đó, ngày 4/12, hơn 100 binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ được 20-25 xe tăng hộ tống đã được triển khai tới một khu vực gần Mosul, thủ phủ tỉnh Nineveh của Iraq, nơi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng từ tháng 6/2014. Số quân này nhằm thay thế lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã được điều tới đây hơn hai năm trước, đồng thời tiếp quản sứ mệnh huấn luyện lực lượng vũ trang người Kurd Iraq (Peshmerga).

Sau khi Iraq phản đối, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng hoạt động chuyển quân. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Ankara tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, đồng thời nhấn mạnh rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chỉ bảo vệ lực lượng huấn luyện chống IS tại Iraq. Ông cũng bày tỏ mong muốn sớm thăm Baghdad để làm dịu tình hình, song khẳng định sẽ không rút các binh sỹ mà Ankara triển khai trước đó ở khu vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.