Iraq yêu cầu các nước tham gia chống IS tôn trọng chủ quyền

Những hành động trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cần phải tôn trọng chủ quyền của Iraq.
Iraq yêu cầu các nước tham gia chống IS tôn trọng chủ quyền ảnh 1Lực lượng an ninh người Kurd giao tranh với các tay súng IS tại một số ngôi làng gần Kirkuk. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 1/10, Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari nhấn mạnh những hành động trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cần phải tôn trọng chủ quyền của Iraq.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Baghdad, ông Jaafari nêu rõ "không thể chấp nhận việc Iraq trở thành một vùng đất xung đột, song phải giải quyết vấn đề này theo cách bảo vệ chủ quyền của Iraq."

Khi được hỏi về cam kết của chỉ huy lực lượng bộ binh Iran rằng sẽ bảo vệ đường biên giới Iran "vào sâu trong lãnh thổ Iraq" nếu cần thiết, Ngoại trưởng Jaafari cho biết Iraq hoan nghênh sự hỗ trợ của Tehran, nhấn mạnh "Iran đã trợ giúp Iraq, cũng giống như một số nước khác."

Theo các nguồn tin an ninh, ít nhất 81 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích và đụng độ ngày 1/10 giữa lực lượng an ninh Iraq và phiến quân IS.

Tại tỉnh Salahudin, phía Bắc thủ đô Baghdad, lực lượng an ninh Iraq với sự hỗ trợ của dân phòng đã tấn công các địa điểm của phiến quân IS, lực lượng đã chiếm giữ nhiều ngôi làng ở tỉnh này.

Binh sỹ đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của phiến quân IS, song với hỏa lực mạnh cùng sự trợ giúp của máy bay chiến đấu, lực lượng an ninh đã giành lại kiểm soát năm ngôi làng và đẩy lùi IS về phía Tây.

Chiến dịch tấn công này cũng nhằm vào các vị trí của IS tại các khu vực phía Bắc thị trấn Amerli, với mục tiêu chiếm lại con đường chính nối Tuz-Khurmato và thành phố Tikrit, trước khi tiến về phía Tây giải phóng thủ phủ Tikrit.

Hàng trăm phiến quân IS đã tiến hành một cuộc tấn công lớn nhằm vào phía Bắc thị trấn Dhuluiyah, cách Baghdad 90km về phía Bắc, song đã bị lực lượng an ninh với sự hỗ trợ của các tay súng trong bộ lạc người Sunni Jubour đẩy lui. Giao tranh ác liệt đã kết thúc vào sáng 1/10 với 50 tay súng IS bị tiêu diệt.

Một cuộc tấn công tương tự của IS nhằm vào bộ lạc Jubour tại Dhuluiyah trong sáng 1/10 bị đánh bại và 15 phiến quân bị tiêu diệt. Có bảy tay súng bộ lạc và thành viên lực lượng an ninh thiệt mạng cùng 16 người bị thương.

Tại tỉnh Kirkuk, các máy bay chiến đấu của liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tấn công một trại huấn luyện của IS gần thị trấn Hawijah, tiêu diệt chín phiến quân, phá hủy năm xe và kho vũ khí, đạn dược của IS.

Tại Syria, các tay súng người Kurd được Mỹ không kích hỗ trợ đã giao tranh với IS nhằm bảo vệ thị trấn Ain al-Arab gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Xung đột khiến 18 người thiệt mạng, trong đó có chín phiến quân và chín binh sỹ người Kurd.

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), trong hơn hai tuần qua, Mỹ đã tiến hành ít nhất năm cuộc không kích nhằm vào IS tại khu vực phía Đông Nam và phía Nam thị trấn Ain al-Arab.

Bất chấp các cuộc không kích, các tay súng IS tiếp tục nã pháo vào trị trấn từ vị trí cách đó 3km và đang tiếp tục tiến về mặt trận phía Đông Nam.

Các thủ lĩnh người Kurd đã kêu gọi liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu hỗ trợ không kích để bảo vệ thị trấn, trong bối cảnh hàng trăm binh sỹ người Kurd đang phải chống trả hàng nghìn phiến quân được vũ trang xe tăng và pháo hạng nặng.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hối thúc phương Tây tìm một phương án lâu dài cho các cuộc khủng hoảng ở Iraq và Syria, thay vì giải pháp tạm thời là thả "hàng tấn bom" nhằm vào IS.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã điều binh sỹ đến bảo vệ khu lăng mộ Suleyman Shah - ông của người sáng lập ra đế chế Ottoman, nằm ở thành phố Aleppo của Syria.

Trong một diễn biễn liên quan, Ấn Độ khẳng định sẽ không tham gia bất cứ liên minh nào trong cuộc chiến chống IS tại khu vực Tây Á.

Phát biểu với báo giới Ấn Độ ngày 1/10, Thư ký phụ trách các vấn đề liên quan đến Mỹ của Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vikram Doraiswami nêu rõ New Delhi "sẽ không tham gia bất kỳ liên minh chống khủng bố nào," song Ấn Độ và Mỹ đã nhất trí về sự cần thiết phải ngăn chặn những đối tượng quá khích vào khu vực Tây Á tham gia các hoạt động khủng bố.

Ông Doraiswami cũng nhấn mạnh mối quan hệ đối tác ba bên với Afghanistan và Washington là "sự phát triển một cách tự nhiên và không phải là hợp tác quân sự."

Nỗ lực phối hợp của Mỹ và Ấn Độ triệt phá hang ổ của các nhóm khủng bố và mạng lưới tội phạm không đồng nghĩa với việc hai nước đang tiến hành chiến dịch, mà chỉ là thực thi nhiệm vụ trong khuôn khổ Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.