Một quả tên lửa đất đối không hiện đại từng được Qatar cung cấp cho các tay súng chống đối ở Syria đã lọt vào tay lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS), qua đó làm tăng rủi ro với lực lượng liên quân đang tham gia không kích Iraq.
Theo Telegraph, một tay súng IS được cho là đã bắn một quả tên lửa đối không vác vai loại FN-6 do Trung Quốc sản xuất và hạ gục một chiếc trực thăng của quân đội Iraq. Toàn bộ vụ này đã được ghi hình lại. Vụ tấn công được cho là diễn ra trong trận chiến Baiji, thị trấn có nhà máy lọc dầu lớn nhất Iraq, nằm ở phía Bắc Baghdad.
Nỗi lo lớn nhất hiện nay là sức mạnh khá lớn của FN-6 so với các quả tên lửa đối không lạc hậu hơn, do Nga sản xuất, mà IS từng sở hữu.
Chiếc trực thăng mà IS bắn hạ là Mi-35M, một phiên bản trực thăng quân sự khá hiện đại được Nga bán cho Iraq hồi năm ngoái. Chiếc máy bay này được cho là có gắn các hệ thống phòng vệ tên lửa.
Khả năng gây thiệt hại lớn cho các hoạt động không kích của Syria, Iraq và giờ là Mỹ được mô tả là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trong các cuộc chiến diễn ra ở Iraq và Syria.
Trước đó, các tay súng chống đối Syria đã thường tìm cách bắn hạ trực thăng và thậm chí là máy bay phản lực của chính quyền. Tuy nhiên thi thoảng họ mới thành công do chỉ có thể sở hữu được tên lửa phòng không lạc hậu sản xuất từ thời Liên Xô, nằm trong các kho vũ khí của Syria.
Vì thế, sự xuất hiện của FN-6 được xem là mối đe dọa lớn với những chiếc trực thăng vũ trang Apache của Mỹ. Chiếc máy bay mới trở lại Iraq để hỗ trợ quân đội Iraq.
"Các trực thăng Apache được triển khai tới Baghdad sẽ có các biện pháp phòng vệ, nhưng tôi không thể bình luận rằng liệu chúng có hiệu quả hơn hệ thống gắn trên những chiếc Mi-35M đời mới của Iraq hay không" - Jeremy Binnie, quan chức của tổ chức IHS Jane, nói sau khi xem đoạn video IS dùng FN-6
Lâu nay Mỹ đã mạnh mẽ chống lại việc cấp tên lửa đối không cho các tay súng chống đối ở Syria. Mỹ sợ chúng rồi sẽ lại rơi vào tay những kẻ cực đoan, như khi lần nước này cung cấp tên lửa Stinger cho các chiến binh Mujaheddin ở Afghanistan hồi những năm 1980.
Nhưng năm ngoái, tờ New York Times đưa tin Qatar, một đồng minh của Mỹ, đã chuyển một lô tên lửa đối không FN-6 cho các tay súng chống đối.
Chính quyền Iraq hiện vẫn nhấn mạnh rằng hoạt động hàng không dân dụng ở nước này sẽ không bị đe dọa gì. Máy bay chở khách thường có độ cao hành trình lớn mà tên lửa đối không vác vai không thể vươn tới được.
Tuy nhiên tên lửa này vẫn có thể đe dọa các máy bay chở khách đang tiến hành cất và hạ cánh. Việc một lượng lớn các quả tên lửa vác vai kiểu này bị mất tích trong những cuộc nổi dậy Mùa Xuân Arab đã gây báo động về an ninh. Sân bay Baghdad hiện được bảo vệ bởi một vành đai rộng. Các phi công cũng sử dụng phương thức tiếp cận sân bay kiểu xoắn ốc, khiến máy bay an toàn hơn trước các tên lửa đối không như FN-6./.