Ngày 3/1, một quan chức tại Văn phòng thủ tướng Israel cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu cam kết “nghiêm chỉnh giữ nguyên hiện trạng" tại khu phức hợp tọa lạc đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa.
Theo quan chức Israel, các chuyến thăm trước đây của các bộ trưởng Israel tới khu phức hợp tọa lạc đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa mà Israel gọi là Núi Đền ở Jerusalem - thánh địa thiêng liêng đối với cả người Do Thái và người Hồi giáo - là phù hợp với hiện trạng của đền thờ, theo đó cho phép người Hồi giáo cầu nguyện tại đền thờ trong khi các tín đồ tôn giáo khác chỉ được phép tham quan.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi trước đó cùng ngày, Bộ trưởng An ninh Israel Itamar Ben-Gvir tới khu phức hợp tọa lạc đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa đã làm dấy lên sự lên án của các nước Arab.
Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh gọi chuyến thăm này là mưu đồ của Israel nhằm biến đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa "thành ngôi đền của người Do Thái."
Phát biểu trước nội các của mình, Thủ tướng Shtayyeh kêu gọi người Palestine "chống lại các cuộc đột kích vào đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa."
[Nguy cơ bùng nổ xung đột sau khi bộ trưởng Israel tới thăm khu Núi Đền]
Trong một động thái tương tự, Saudi Arabia và UAE phản đối việc quan chức Israel thăm đền Al-Aqsa.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ngày 3/1 đã ra tuyên bố “bày tỏ sự lên án của Vương quốc Saudi Arabia về hành vi kích động của một quan chức Israel, người đã vào khu phức hợp đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa.”
Cùng ngày, hãng tin WAM của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đưa tin chính phủ nước này lên án hành động vào khu vực đền Al-Aqsa của một quan chức Israel.
Phản ứng của hai nước Saudi Arabia và UAE không nêu đích danh quan chức Israel. Tuy nhiên, Chính phủ mới của Israel vừa bổ nhiệm ông Itamar Ben-Gvir, chính trị gia của đảng tôn giáo cực hữu Do Thái đã nhiều lần đến thăm đền Al-Aqsa, một trong những điểm nóng tranh chấp giữa người Israel và người Palestine tại thành cổ Jerusalem.
Hôm 3/1, ông Ben-Gvir tiếp tục có chuyến thăm chóng vánh tới ngôi đền này. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một bộ trưởng Israel đến khu vực này trong 5 năm qua. Tuy nhiên, không có dấu hiệu ông Ben-Gvir tiến sâu khu vực đền thờ.
Khu đền Al-Aqsa/Núi Đền nằm ở Đông Jerusalem, vùng lãnh thổ Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và sáp nhập sau đó. Khu vực này là tâm điểm của nhiều làn sóng bạo lực giữa người Do Thái tại Israel và người Hồi giáo.
Theo quy ước lâu nay, người Do Thái được phép thăm khu đền nhưng không được cầu nguyện tại đó. Do đó, việc ông Ben Gvir đến khu vực hợp này được cho có thể châm ngòi cho các xuộc xung đột mới./.