Ngày 14/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng bác bỏ những quan ngại của Washington đối với việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, đồng thời thúc giục Mỹ hiện thực cam kết này.
Nhật báo Haaretz của Israel gọi đây là "bất đồng công khai đầu tiên" của ông Netanyahu với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh lập trường của Israel trong vấn đề này là rất rõ ràng và đã được công khai rất nhiều lần với chính quyền Mỹ và toàn thế giới.
Theo đó, Israel cho rằng việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem không những sẽ không gây tổn hại đến tiến trình hòa bình, mà ngược lại sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình này thông qua việc "sửa chữa lại bất công lịch sử và đập tan lập luận của Palestine rằng Jerusalem không phải là thủ đô của Israel."
[Mỹ xem xét nghiêm túc việc chuyển sứ quán tới Jerusalem]
Tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu là sự đáp lại những phát biểu trước đó cùng ngày của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trên chương trình "Meet the Press" của đài NBC.
Theo ông Tillerson, Tổng thống Trump vẫn đang đánh giá xem liệu việc chuyển đại sứ quán sẽ hỗ trợ hay làm tổn hại cơ hội của tiến trình hòa bình Trung Đông. Ngoại trưởng Mỹ cũng bày tỏ nghi ngại đối với quan điểm của các bên liên quan trong vấn đề này, đặc biệt là lập trường của Israel.
Hiện trạng của Jerusalem là một trong những vấn đề gai góc nhất trong cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Israel và Palestine. Israel chiếm đóng khu Bờ Tây và Đông Jerusalem vào năm 1967, sau đó sáp nhập vùng lãnh thổ Đông Jerusalem trong một động thái chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế công nhận. Người Palestine coi Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của họ, trong khi Israel tuyên bố toàn bộ thành phố này là thủ đô của Israel.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump từng cam kết sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem. Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền Washington chưa có động thái cụ thể nào đối với tuyên bố trên, vốn vấp phải phản đối gay gắt từ Palestine và cộng đồng người Arab. Cộng đồng quốc tế từng cảnh báo một bước đi như vậy sẽ châm ngòi cho bất ổn trong khu vực.
Trước đó, ngày 7/3, trong một cuộc họp cấp ngoại trưởng ở thủ đô Cairo (Ai Cập), các nước thành viên Liên đoàn Arab (AL) đã thông qua một nghị quyết phản đối các kế hoạch di chuyển phái bộ ngoại giao nước ngoài tới Jerusalem./.