Ngày 4/4, phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn nguồn từ Cơ quan khảo cổ Israel (IAA) cho biết, cơ quan này đã phát hiện nhiều dấu tích còn lại của một ngôi làng cổ Do Thái tồn tại khoảng 2.000 năm trước tại thành phố Beer Sheva, phía Nam Israel.
Trong số đồ vật được phát hiện bao gồm một chiếc đèn dầu cổ rất hiếm gặp.
Ngôi làng cổ này được tìm thấy tại một khu khảo cổ do IAA và Đại học Ben-Gurion tại thành phố Beer Sheva phối hợp thực hiện.
Ngôi làng tồn tại vào khoảng thế kỷ 1 sau Công nguyên, nhưng bị phá hủy sau cuộc nổi dậy Bar-Kokhba, diễn ra vào khoảng năm 132 đến 136 sau Công nguyên.
Cuộc nổi dậy đã dẫn tới sự phá hủy nhiều khu định cư của người Do Thái vào thời điểm đó.
Chiếc đèn dầu được phát hiện nói trên có khắc tiếng Do Thái cổ ở chân đèn thường được biết đến là "Đèn phương Nam" của người Do Thái.
[Israel phát hiện bộ dấu bằng đá 2.600 năm tuổi khắc tên Kinh thánh]
Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra họa tiết trên sau khi làm sạch chiến đèn dầu cổ này.
Những gì sót lại của ngôi làng này còn bao gồm một tháp canh, các bếp làm bánh, hố tro và một hệ thống ngầm dưới lòng đất được cho là có thể phục vụ mục đích nghi lễ cổ.
Các nhà khảo cổ cũng phát hiện hàng chục tiền xu bằng đồng tại đây, hầu hết các đồng xu thuộc về giai đoạn Đế chế Rome cai quản Vùng đất của Israel.
Ngoài ra, địa điểm này còn bao gồm một số lối thoát ra từ hệ thống công trình ngầm được những người Do Thái nổi dậy vào thời điểm đó ẩn nấp và trốn thoát./.