Ngày 1/2, các nhân chứng cho biết quân đội Israel đã lần đầu tiên rút khỏi các khu vực rộng lớn ở phía Bắc Dải Gaza kể từ khi mở chiến dịch trên bộ tại vùng lãnh thổ này.
Theo nguồn tin trên, sau khi Israel rút quân, hàng chục người dân đã trở lại các khu vực đó để kiểm tra lại nhà cửa của họ trong khi một số khác tìm kiếm thi thể của những người Palestine xấu số thiệt mạng trong các cuộc tấn công.
Hiện chưa rõ việc rút quân này là lâu dài hay chỉ là hoạt động tái bố trí của các lực lượng Israel. Chính quyền Tel Aviv chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này.
Hoạt động rút quân diễn ra sau các báo cáo cho thấy tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas có thể thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và việc Hamas thả những người Israel mà lực lượng này còn bắt giữ.
Cùng ngày, quân đội Israel đã thả 114 người Palestine qua cửa khẩu Kerem Shalom ở phía Nam Dải Gaza. Đây là những người bị phía Israel bắt giữ trong các chiến dịch trên bộ của quân đội nước này.
Một nguồn tin an ninh Palestine tại cơ quan biên giới ở Dải Gaza cho biết một số người được thả đã được đưa tới bệnh viện Najjar ở thành phố Rafah do điều kiện sức khỏe yếu.
Theo cơ quan giám sát nhân quyền Euro-Med, trong chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza nhằm trả đũa phong trào Hồi giáo Hamas đột kích bất ngờ gây thương vong lớn tại Israel hôm 7/10 năm ngoái, quân đội Israel đã bắt giữ hàng trăm người Palestine và chuyển họ đến những địa điểm không xác định.
Iran và Ai Cập nỗ lực giúp các bên xung đột đạt được thỏa thuận ngừng bắn
Ngày 1/2, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã trao đổi quan điểm về những diễn biến mới nhất tại Dải Gaza với các thủ lĩnh của Phong trào Hồi giáo Hamas và lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ).
Theo các thông cáo từ Bộ Ngoại giao Iran, trong hai cuộc điện đàm riêng rẽ với hai thủ lĩnh của Hamas và PIJ, Ngoại trưởng Amir-Abdollahian cũng thảo luận về những sáng kiến nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn tại Gaza, cũng như việc trao trả các con tin giữa Israel và Hamas.
Thủ lĩnh của Hamas Ismail Haniyeh nhấn mạnh cùng với việc duy trì sự thống nhất và đoàn kết, các nhóm kháng chiến của người Palestine sẽ chỉ xem xét những sáng kiến và kế hoạch nếu những lợi ích của người dân Palestine được bảo đảm.
Trong khi đó, Tổng thư ký PJL Ziad al-Nakhalah đánh giá cao sự hỗ trợ của Iran đối với sự nghiệp giải phóng của người Palestine.
Về phần mình, trong cả hai cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Amir-Abdollahian nhấn mạnh rằng chỉ có người Palestine mới có quyền quyết định số phận và tương lai của họ cũng như không có bên nào có thể áp đặt ý chí và những kế hoạch chính trị của mình đối với người Palestine.
Israel đã thực hiện các cuộc tấn công đáp trả tại Dải Gaza kể từ hôm 7/10/2023, sau khi Hamas tiến hành cuộc đột kích bất ngờ vào miền Bắc Israel khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng.
Theo cơ quan y tế tại Gaza, kể từ đó đến nay, các cuộc tấn công của Israel đã khiến 27.000 người Palestine thiệt mạng.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian đã tái khẳng định lập trường bác bỏ hoàn toàn bất kỳ kế hoạch hoặc biện pháp nào nhằm di dời người Palestine ra khỏi vùng đất của họ.
Trong cuộc điện đàm ngày 1/2, hai bên đã thảo luận những diễn biến mới nhất ở Gaza, trong bối cảnh tiếp diễn các cuộc tấn công của Israel và tình hình nhân đạo thảm khốc ở dải đất ven Địa Trung Hải của Palestine.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập, hai Ngoại trưởng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện ở Dải Gaza và cho phép tiếp cận viện trợ nhân đạo; đồng thời khẳng định sự cần thiết phải huy động các nỗ lực quốc tế để đảm bảo khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng đang diễn ra thông qua giải pháp hai nhà nước.
Ngoại trưởng Shoukry đã thông báo ngắn gọn cho người đồng cấp Iran về những nỗ lực gần đây của Ai Cập nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và cho phép viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza không bị gián đoạn.
Ngoại trưởng Ai Cập cũng hối thúc thực thi Nghị quyết số 2720 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó kêu gọi thiết lập cơ chế của Liên hợp quốc để giám sát và đẩy nhanh quá trình cung cấp viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza.
Ngoài ra, ông bày tỏ quan ngại sâu sắc của Ai Cập trước việc xung đột mở rộng trong khu vực, đe dọa chủ quyền và ổn định của một số quốc gia Arab; cảnh báo tình hình này sẽ gây ra những hậu quả “nghiêm trọng” đối với khu vực cũng như hòa bình và an ninh quốc tế.
Ông Shoukry cũng bày tỏ quan ngại của Cairo về việc gia tăng căng thẳng quân sự ở khu vực phía Nam Biển Đỏ. Ông cho biết những căng thẳng này gây ra mối đe dọa đối với hoạt động hàng hải quốc tế và do đó ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của nhiều quốc gia, trong đó có Ai Cập.
An ninh hàng hải trên tuyến đường hàng hải quan trọng qua Biển Đỏ gần đây đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, trong bối cảnh lực lượng Houthi ở Yemen liên tục tấn công các tàu có mối liên hệ với Israel khi đi qua eo biển chiến lược Bab Al-Mandeb trên Biển Đỏ.
Các cuộc tấn công của Houthi nhằm phản đối Israel tiến hành các hành động đáp trả hiện nay tại Dải Gaza đã khiến một số công ty vận tải biển đình chỉ mọi hành trình qua Biển Đỏ, gây lo ngại toàn cầu về khả năng gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu./.
Dải Gaza cần hàng chục tỷ USD và nhiều thập kỷ để phục hồi kinh tế
Người dân Gaza không thể tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch và điện. Bên cạnh đó, phần lớn thiệt hại vì các hoạt động quân sự trước đây của Israel vẫn chưa được khắc phục.