Ngày 20/4, một quan chức cấp cao Israel cho biết nước này duy trì quan điểm ủng hộ việc lắp đặt máy ghi hình an ninh tại ngôi đền Al-Aqsa, trong khu đền thiêng ở Đông Jerusalem mà người Do Thái gọi là Núi Đền, ngay cả sau khi Jordan thông báo ngừng kế hoạch trên do vấp phải sự phản đối của Palestine.
Theo quan chức này, Tel Aviv ủng hộ việc lắp đặt các camera tại Núi Đền vì "tin vào sự minh bạch.”
Ông đồng thời bày tỏ lấy làm tiếc khi chính quyền Palestine (PA) đã bác bỏ sáng kiến trên, cho rằng họ không muốn “những hành vi khiêu khích liên tiếp của người Palestine bị ghi hình lại.”
Trước đó, ngày 18/4, Thủ tướng Jordan Abdullah Ensour thông báo nước này quyết định dừng việc lắp đặt 55 camera tại ngôi đền trên, với lý do Palestine “nghi ngờ về mục đích của kế hoạch này.”
Việc lắp đặt máy ghi hình an ninh được đưa ra trong một thỏa thuận đạt được hồi tháng 10/2015 giữa Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhằm hạn chế các vụ xâm phạm của người Israel tại đền thờ này.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đồng ý với kế hoạch, theo đó Jordan sẽ lắp đặt 55 máy ghi hình an ninh xung quanh đền thờ Al-Aqsa để giám sát.
Tuy nhiên tuần trước, các nhà hoạt động Palestine đã rải tờ rơi tại đền thờ này kêu gọi người Palestine phá các máy ghi hình nếu chúng được lắp đặt. Người Palestine lo ngại rằng các thiết bị ghi hình này sẽ được Israel sử dụng để nhận dạng và bắt giữ các tín đồ Hồi giáo cũng như các nhà hoạt động phản đối người Do Thái đến khu vực đền thờ.
Trong phản ứng của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bày tỏ "lấy làm tiếc" vì kế hoạch đã bị dừng lại, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế và giảm bạo lực.
Liên quan đến ngôi đền trên, chính quyền Palestine hoan nghênh việc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vừa thông qua một nghị quyết tại thủ đô Paris (Pháp), trong đó quyết định tiếp tục sử dụng tên gọi Arab của Thánh đường Al-Aqsa và từ chối tên gọi “Núi Đền” của Israel.
Nghị quyết trên do một số nước Arab đệ trình đã được UNESCO thông qua với 33 phiếu ủng hộ, 6 phiếu chống và 17 phiếu trắng, chỉ gọi địa danh linh thiêng thứ ba của đạo Hồi bằng tên gọi Al-Aqsa Mosque/Al Haram Al Sharif.
Nghị quyết này chỉ trích Israel tiến hành khai quật và xây dựng nhiều công trình tại Đông Jerusalem, đồng thời hối thúc nước này dừng “các hành vi xâm lược và biện pháp phi pháp nhằm ngăn người Hồi giáo ra vào và cầu nguyện" tại khu vực linh thiêng này.
Tổng Thư ký của Hội đồng Giáo dục, Văn hóa và Khoa học quốc gia của Palestine, ông Murad Alsudani cho biết phái đoàn thường trực của Palestine tại UNESCO khẳng định quyết định này được đưa ra để ủng hộ Nhà nước Palestine, sau khi Palestine đã có những nỗ lực không nhỏ cùng với Jordan để nghị quyết này được thông qua.
Ông cũng kêu gọi tất cả các nước Arab và Hồi giáo cũng như Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) hoạt động tích cực để buộc Israel thực thi taats cả các nghị quyết của Liên hợp quốc.
Thủ tướng Israel Netanyahu đã phản đối nghị quyết trên, cho đây là “một quyết định vô lý của Liên hợp quốc.”
Khu đền nói trên là nơi linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và Do Thái. Trong cuộc chiến tranh năm 1967, Israel đã chiếm khu đền và sáp nhập vào lãnh thổ nước mình trong một động thái không được quốc tế công nhận.
Đụng độ giữa thanh niên Palestine và các lực lượng an ninh Israel đã nổ ra tại khu vực này từ tháng 9/2015, sau khi người Hồi giáo lo ngại rằng Israel đang có âm mưu thay đổi quy định quản lý khu vực này, theo đó người Do Thái chỉ được tới thăm đền nhưng không được cầu nguyện tại đây và chỉ được cầu nguyện dưới chân núi của khu đền. Thủ tướng Netanyahu nhiều lần khẳng định không hề có ý định như vậy.
Trong một nỗ lực làm dịu căng thẳng và bạo lực, Jordan đã đứng ra làm trung gian, đề xuất giao quyền kiểm soát việc ra vào toàn bộ khu vực linh thiêng này cho cơ quan Waqf, đồng thời đưa ra giải pháp lắp máy ghi hình an ninh nói trên./.