Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đấu khẩu về tình hình bạo lực tại Dải Gaza

Bộ trưởng An ninh công cộng Israel cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là phần tử "chống Do Thái" sau khi ông này chỉ trích Israel bắn chết 17 người biểu tình Palestine.
Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đấu khẩu về tình hình bạo lực tại Dải Gaza ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: THX/TTXVN)

Cuộc khẩu chiến giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến tình trạng bạo lực tại Dải Gaza tiếp tục gia tăng khi Bộ trưởng An ninh công cộng Israel tuyên bố thỏa thuận hòa giải hai nước ký hồi năm 2016 có thể là một sai lầm.

Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ sau 6 năm gián đoạn có thể là một sai lầm. Thậm chí ông cho rằng: "Nhìn lại, có thể thỏa thuận này dường như chưa được thông qua."

Theo Tân Hoa Xã, cuộc khẩu chiến liên quan đến tình hình bạo lực tại Dải Gaza trở nên gay gắt khi giới chức hai nước cáo buộc lẫn nhau.

Phát biểu trên Đài Phát thanh quân đội ngày 2/4, Bộ trưởng An ninh công cộng Israel Gilad Erdan, cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là phần tử "chống Do Thái" sau khi ông này chỉ trích Israel bắn chết 17 người biểu tình Palestine và làm hơn 1.400 người bị thương trong vụ biểu tình biến thành bạo lực tại biên giới Gaza-Israel ngày 30/3 vừa qua.

Trong khi đó, ông Erdogan cho rằng phản ứng của Israel là "cuộc tấn công vô nhân đạo."

[Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gọi Thủ tướng Israel là "kẻ khủng bố"]

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng cáo buộc Israel sử dụng "lực lượng không cân xứng" chống người dân Palestine tham gia vào các cuộc "biểu tình hòa bình."

Trước đó, ngày 1/4, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cũng lên án hành động bạo lực của Israel nhằm vào người Palestnie. Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời ông Larijani cho rằng được sự giúp đỡ của Mỹ, Israel đã liên tục lặp lại các hành động "tội ác" như vậy nhằm vào nhân dân Palestine.

Ông mô tả chính sách "tạo ra căng thẳng" của Israel cũng như quyết định của Tổng thống Donald Trump rời đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem là nhằm phá hoại an ninh và ổn định trong khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Iran cũng kêu gọi các nước Hồi giáo đưa ra những biện pháp cần thiết, đồng thời ủng hộ các quyền chính đáng của nhân dân Palestine.

Bạo lực bùng phát hôm 30/3 sau khi hàng nghìn người Palestine, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, đã tới 6 khu vực khác nhau ở phía Đông dải Gaza để tham gia cuộc tuần hành hòa bình nhằm gửi thông điệp đến thế giới rằng người Palestine có các quyền hợp pháp, trong đó có quyền hồi hương.

Cuộc tuần hành này mở màn đợt biểu tình kéo dài 6 tuần cho đến khi văn phòng mới của Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem khai trương dự kiến vào ngày 14/5 tới.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào tháng 12/2017 đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Palestine vốn luôn coi Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai.

Quân đội Israel cho biết khoảng 30.000 người đã tham gia biểu tình. Nhiều nhóm nhỏ đã tiến gần các rào chắn biên giới, lực lượng Israel đã sử dụng hơi cay và bắn đạn thật để bắt buộc những người này lùi lại.

Cơ quan y tế Gaza thông báo 17 người Palestine đã thiệt mạng và khoảng hơn 1.400 người bị thương.

Phía Palestine cáo buộc Israel sử dụng vũ lực bừa bãi trong khi quân đội Israel cho rằng họ chỉ nổ súng khi cần thiết nhằm chống lại những người ném đá, lựu đạn hoặc đẩy lốp xe về phía các binh lính Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.