Ít nhất 265 người đã thiệt mạng trong vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/7 đã bắt giữ gần 3.000 người tình nghi trong vụ đảo chính khiến ít nhất 265 người đã thiệt mạng.
Ít nhất 265 người đã thiệt mạng trong vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Những người ủng hộ Chính phủ và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuần hành tại quảng trường Taksim ở Istanbul sau khi vụ đảo chính kết thúc ngày 16/7. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin nhà chức trách nước này ngày 16/7 đã bắt giữ gần 3.000 người tình nghi âm mưu đảo chính quân sự, đồng thời ra lệnh bắt giữ gần 3.000 thẩm phán và công tố viên, sau khi tuyên bố đập tan vụ đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Tayyip Erdogan.

Một nhóm binh sỹ và sỹ quan quân đội âm mưu tiếm quyền đã phong tỏa một cây cầu ở thành phố Istanbul, bắn phá trụ sở cơ quan tình báo và quốc hội ở thủ đô Ankara đêm 15/7.

Ít nhất 265 người đã thiệt mạng trong vụ âm mưu đảo chính này.

Tổng thống Erdogan đang có kỳ nghỉ ở Địa Trung Hải đã trở về Istanbul và kêu gọi người dân ủng hộ chính phủ.

Thủ tướng Binali Yildirim ngày 16/7 tuyên bố "tình hình đã hoàn toàn được kiểm soát."

Tổng thống Erdogan khẳng định những kẻ âm mưu đảo chính "sẽ phải trả giá đắt cho việc này."

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ công bố 2.839 người đã bị bắt giữ, trong đó có các binh sỹ và sỹ quan cấp cao.

Theo kênh truyền hình NTV, nhà chức trách đã ra lệnh bắt giữ 2.745 thẩm phán và công tố viên bị nghi ngờ liên quan đến giáo sỹ Fethullah Gulen, nhân vật bị cáo buộc kích động sự nổi dậy trong bộ máy tư pháp và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Giáo sỹ này hiện sống lưu vong ở Mỹ và Tổng thống Erdogan đã đề nghị Washington dẫn độ giáo sỹ này về Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan khẳng định những người ủng hộ giáo sĩ Gulen đứng sau vụ đảo chính.

Theo ông Erdogan, giáo sỹ Gulen tìm cách thiết lập một "cấu trúc song song" trong bộ máy tư pháp và quân đội nhằm tìm cách lật đổ chính quyền.

Trước tình hình đất nước rơi vào hỗn loạn, ngày 16/7 Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một phiên họp bất thường. Phiên họp được bắt đầu bằng phút mặc niệm tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng trong vụ đảo chính.

Cùng ngày, hàng nghìn người dân đã đổ ra khắp các đường phố của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia mít tinh thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Erdogan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.