Italy: Đảng Dân chủ cầm quyền chìm sâu trong khủng hoảng

Mâu thuẫn với cựu Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã khiến một số thành viên cánh tả của PD ly khai khỏi đảng này để thành lập một chính đảng mới, với tên gọi là đảng Dân chủ và Tiến bộ (DP).
Italy: Đảng Dân chủ cầm quyền chìm sâu trong khủng hoảng ảnh 1Cựu Thủ tướng Italy Matteo Renzi. (Nguồn: Reuters)

Đảng Dân chủ (PD) cầm quyền ở Italy đang chìm sâu trong khủng hoảng do mâu thuẫn nội bộ. Mâu thuẫn với cựu Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã khiến một số thành viên cánh tả của PD ly khai khỏi đảng này để thành lập một chính đảng mới, với tên gọi là đảng Dân chủ và Tiến bộ (DP).

Trong bản tuyên ngôn sáng lập được công bố ngày 25/2, đảng DP tuyên bố: “Chúng tôi muốn xây dựng một phong trào cởi mở… mà cũng có thể là khởi đầu cho sự hồi sinh của phe trung tả.”​

Đảng DP được đứng đầu bởi cựu lãnh đạo phe Dân chủ trong Quốc hội Roberto Speranza và Chủ tịch vùng Tuscany Enrico Rossi.

Cựu Chủ tịch PD Luigi Bersani và cựu Thủ tướng Massimo D’Alema cũng là những nhân vật ủng hộ mạnh mẽ đảng mới thành lập này.

Giới phân tích cho rằng đảng DP mới thành lập có thể làm hỏng các cơ hội của đảng PD cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử kế tiếp, dự kiến diễn ra vào tháng 2/2018.

Hiện cũng có tin cho rằng cựu Thủ tướng Renzi muốn thúc đẩy tổ chức bầu cử sớm vào tháng 6 hoặc tháng 9 năm 2017.

Trong một diễn biến khác trên chính trường Italy, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pier Carlo Padoan đã bác bỏ thông tin đăng trên nhật báo La Stampa ngày 26/2, trong đó nói rằng ông dọa sẽ từ chức nếu các cải cách kinh tế cũng như kế hoạch tư nhân hóa ở nước này không được thực hiện.

Trong một tuyên bố, Bộ Kinh tế và Tài chính Italy khẳng định những đồn đoán về khả năng ông từ chức mà bài báo đăng tải là “hoàn toàn không có cơ sở.”

Ông Padoan cũng đã gọi những đồn đoán này là "ngớ ngẩn," đồng thời khẳng định quyết tâm trong vài tháng tới sẽ thúc đẩy các nỗ lực cải cách và tiến tới tái cân bằng ngân sách.

Kể từ khi cựu Thủ tướng Matteo Renzi từ chức hồi tháng 12/2016 sau khi thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp, đảng PD cầm quyền đã trải qua những mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ, đồng thời triển vọng thực hiện các cải cách kinh tế ở Italy cũng trở nên mờ nhạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.