Italy: Đảng Dân chủ cầm quyền "rung chuyển" do liên quan mafia

Đảng Dân chủ cầm quyền của Italy đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ sau khi có thêm nhiều bằng chứng cho thấy một loạt nhân vật cấp cao của đảng này dính líu đến mafia.
Italy: Đảng Dân chủ cầm quyền "rung chuyển" do liên quan mafia ảnh 1Con sói, biểu tượng của thành phố Rome, Italy. (Nguồn: Il Messaggero)

Đảng Dân chủ (PD) cầm quyền của Italy đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ sau khi có thêm nhiều bằng chứng cho thấy một loạt nhân vật cấp cao trong chính quyền thủ đô Rome là thành viên của đảng này dính líu đến mafia.

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, ngày 6/12, bà Micaela Campana, nghị sỹ đảng PD trong chính quyền Rome, đã bị đưa vào danh sách điều tra sau khi các đoạn băng ghi âm của cơ quan điều tra cho thấy sự dính líu của bà với đường dây mafia bị cảnh sát phá vỡ trong những ngày qua.

Trong đoạn băng, bà Campana đã nói chuyện rất thân mật với Salvatore Buzzi, người được cho là đóng vai trò trung gian móc nối và hối lộ của trùm mafia Massimo Carminati trong các thương vụ đấu thầu nhiều gói xây dựng cơ bản ở thủ đô và vùng Lazio.

Theo Viện công tố Rome, Buzzi đã yêu cầu bà Campana giúp tìm hiểu về một gói thầu bị tòa án địa phương chặn lại. Trong một đoạn băng ghi âm khác, Buzzi nói với trùm mafia Carminati là y sẽ chuyển tiền cho một "nữ nghị sỹ". Các nhà điều tra cho rằng nữ nghị sỹ đó chính là bà Campana. Hiện Buzzi đã bị bắt giữ cùng Carminati.

Diễn biến mới nhất này xảy ra một ngày sau khi 3 thành viên của đảng PD đang giữ các trọng trách cao trong chính quyền Rome phải từ chức do bị điều tra trong vụ bê bối lớn chưa từng có ở thủ đô. Một loạt quan chức khác của Rome cũng có khả năng bị Thị trưởng Ignazio Marino, cũng là một đảng viên của PD, cách chức hoặc buộc phải từ chức trong những ngày tới do có liên quan đến vụ việc này.

Trước đó, thủ đô Rome và cả Italy đã rúng động sau khi Viện công tố Rome tiến hành bắt 38 người và điều tra hơn 100 người khác, nhiều người trong số đó là thành viên của đảng PD địa phương và cả cựu Thị trưởng Gianni Alemanno vì các tội danh cấu kết với mafia, tham nhũng, rửa tiền, cho vay nặng lãi, biển thủ công quỹ dành cho người nhập cư và rất nhiều tội danh khác... Viện công tố Rome vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra và không loại trừ khả năng sẽ bắt thêm nhiều nhân vật khác nữa.

Trùm mafia thủ đô, Massimo Carminati, bị cảnh sát bắt tuần trước khi có dấu hiệu chuẩn bị trốn ra nước ngoài, cùng với cánh tay phải đắc lực là Buzzi bị buộc tội hối lộ và mua chuộc hàng loạt quan chức của Rome và vùng Lazio để giành được các gói thầu trị giá hàng trăm triệu euro trong thời gian từ 2008 đến 2013, khoảng thời gian ông Gianni Alemanno đang làm Thị trưởng.

Báo chí Italy cho biết, Carminati và De Carlo, một trùm mafia mới bị bắt, cũng có quan hệ mật thiết với nhiều ngôi sao trong giới biểu diễn và bóng đá Italy.

Theo báo chí Italy, uy tín của chính phủ và đảng PD có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do vụ việc này. Thủ tướng Matteo Renzi đã gọi bê bối này là một điều đáng "kinh tởm" và khẳng định sẽ làm trong sạch nội bộ đảng, đồng thời cử một chuyên gia chống tham nhũng trực tiếp tham gia điều tra vụ này trong chính giới.

Hiện tại, uy tín của Thủ tướng Renzi đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 50%, trong khi tỉ lệ ủng hộ của cử tri dành cho đảng PD cũng giảm xuống còn chưa đến 40%, mức thấp nhất trong nhiều tháng qua.

Trong khi đó, các đảng phái đối lập đã nhân cơ hội này gây áp lực lên PD và chính phủ. Phong trào 5 Sao đòi Thị trưởng Marino từ chức và giải tán chính quyền thành phố. Cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, lãnh đạo đảng Forza Italia, cũng yêu cầu tất cả chính quyền Rome từ chức và tiến hành bầu cử lại.

Nhật báo Il Messaggero xuất bản ở thủ đô cho rằng diễn biến của vụ việc trên rất khó lường, không ai biết sẽ kết thúc thế nào và có thêm những ai bị bắt. Theo báo trên, khi bê bối nổ ra, một điều chắc chắn rằng chính phủ và đảng PD do ông Renzi đứng đầu vốn đang gặp không ít khó khăn có thể càng rơi vào khủng hoảng trong năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.