Sự phát triển nhanh chóng của chatGPT đã thu hút sự chú ý của cơ quan quản lý ở một số quốc gia.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần có các quy định mới để quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) vì tác động tiềm ẩn của công nghệ này đối với an ninh quốc gia, việc làm và giáo dục.
Italy là quốc gia Tây Âu đầu tiên ban hành lệnh cấm đối với OpenAI. Ngày 31/3, Công ty OpenAI đã buộc phải đình chỉ ChatGPT tại Italy sau khi chính quyền tạm thời hạn chế dịch vụ này và bắt đầu điều tra do nghi ngờ vi phạm các quy tắc về quyền riêng tư.
Italy cáo buộc OpenAI đã không kiểm soát tuổi của người dùng ChatGPT và chỉ trích việc "không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào" biện minh cho việc thu thập và lưu trữ dữ liệu cá nhân khổng lồ.
Cơ quan bảo vệ dữ liệu Garante của Italy ngày 12/4 đã đặt ra thời hạn để OpenAI đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, qua đó nối lại dịch vụ chatbot ChatGPT ở nước này.
Itlay đã yêu cầu OpenAI phải đáp ứng một loạt điều kiện vào cuối tháng 4. Nếu các yêu cầu được đáp ứng, nước này sẽ dỡ bỏ các hạn chế và ChatGPT sẽ được tiếp tục có mặt tại đây.
Ngày 30/11/2022, OpenAI - một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) đã chính thức cho người dùng đăng ký trải nghiệm miễn phí ChatGPT, một ứng dụng phần mềm được thiết kế để mô phỏng cuộc trò chuyện của con người.
Đây là sự phát triển mới nhất của dòng AI tạo văn bản - GPT (Generative Pre-training Transformer).
GPT (Generative Pre-training Transformer) là một mạng lưới thần kinh AI (ANNs) được đào tạo trên khối lượng lớn văn bản trực tuyến để tạo ra các phản hồi tự nhiên, giống con người. Do đó, nó có thể trả lời các câu hỏi phức tạp, viết truyện cười, viết mã máy tính, viết bài luận cấp đại học, giải thích các khái niệm khoa học ở nhiều cấp độ…
Kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022, ChatGPT đã khiến mọi người kinh ngạc và thu hút được sự chú ý của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Công cụ chatbot tiên tiến này đã nhanh chóng đạt được 1 triệu người dùng chỉ sau 5 ngày phát hành, thần tốc hơn cả hai ứng dụng mạng xã hội hàng đầu là TikTok và Instagram.
[OpenAI có nguy cơ bị kiện vì thông tin sai lệch trên ChatGPT]
Nhờ thành công đáng kinh ngạc của ChatGPT, một số công ty thậm chí đã bắt đầu học cách tích hợp chatbot này với sản phẩm của họ. Kể từ đó, phạm vi tiếp cận của ChatGPT không ngừng tăng lên, đẩy lui suy nghĩ của nhiều người rằng nó sẽ sớm lụi tàn.
Theo các chuyên gia, sở dĩ ChatGPT “làm mưa làm gió” ngay khi xuất hiện bởi không như nhiều chatbot chỉ có thể trả lời các câu hỏi cơ bản, ChatGPT có khả năng thực hiện đối thoại với người lạ, trả lời câu hỏi, viết thơ, văn, kịch bản, bài luận... Bên cạnh đó, chatbot này còn có thể giải thích nhiều câu hỏi phức tạp như người thật, hay giúp các lập trình viên tìm lỗi trong mã họ viết.
Điều ấn tượng nhất khiến cho ChatGPT trở nên nổi tiếng là khả năng hiểu và sử dụng ngữ cảnh. AI này có thể thực hiện các cuộc trò chuyện một cách tự nhiên như con người. Do đó, ChatGPT có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện dài và khiến người dùng có cảm giác như đang thực sự nói chuyện với một người, chứ không phải với một cỗ máy.
Đặc biệt, ChatGPT có thể được đào tạo bằng cách sử dụng phản hồi của người dùng. Công nghệ này sẽ xác định được mong muốn của mỗi nhân vật trước khi đặt câu hỏi.
Một số người dùng ban đầu đã mô tả mô hình này như một giải pháp thay thế cho Google vì có khả năng cung cấp các mô tả, câu trả lời và giải pháp cho các câu hỏi phức tạp bao gồm cách viết code và giải quyết các vấn đề về bố cục cũng như truy vấn tối ưu hóa.
ChatGPT có thể được sử dụng trong các lĩnh vực như sáng tạo nội dung cho các trang web, trả lời các câu hỏi của khách hàng, cung cấp các gợi ý, tạo chatbot tự động, phát hiện hoặc thậm chí là sửa các lỗi lập trình. Công cụ này đặc biệt gây ấn tượng với các chuyên gia về khả năng sáng tạo nội dung, thực hiện các nhiệm vụ phức tạp nhưng lại dễ sử dụng./.