Việc một bé gái 12 tuổi ở Pordenone, miền Đông Bắc Italy, nhảy qua ban công tự tử do không chịu nổi áp lực từ bạo hành về tinh thần trong trường học tiếp tục gióng lên những hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực học đường ở Italy.
Theo báo chí Italy, cô bé này đã gieo mình xuống đường trước nhà từ tầng cao xuống đất hôm 18/1, sau khi để lại một dòng chữ tuyệt mệnh "Các người đã hài lòng chưa?" Rất may, cô bé đã được đưa đến bệnh viện kịp thời và hiện đã qua cơn nguy kịch.
Bộ trưởng giáo dục Italy Stefania Giannini đã gọi sự kiện này là một "sự cố đau lòng", đồng thời kêu gọi cha mẹ và nhà trường sâu sát hơn nữa với con cái họ nhằm ngăn chặn tình trạng này tiếp tục gia tăng. Cảnh sát mạng Italy đã vào cuộc nhằm điều tra theo hướng cô bé bị bạn bè quấy rối và sỉ nhục trên mạng xã hội trong một thời gian dài.
Các số liệu của Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT) cho thấy, cứ 2 học sinh ở Italy tuổi từ 11-17 thì một người đã chịu ít nhất 1 lần bị bạo hành ảnh hưởng đến thân thể hoặc bạo hành về tinh thần trong năm học. Cứ 10 học sinh trong tuổi đó thì 1 bị bạn bè trêu ghẹo hoặc đánh đập trong trường.
ISTAT cũng cho biết, học sinh nữ là đối tượng gánh chịu bạo lực học đường nhiều hơn học sinh nam, với 55% trong độ tuổi từ 11 đến 17 bị bạo hành ít nhất 1 lần trong năm.
Điều đáng chú ý là 9,9% học sinh nữ trong tuổi này hầu như ngày nào cũng trở thành nạn nhân từ bạo lực học đường, với các vụ đánh đập hoặc trêu chọc, sỉ nhục, cô lập bằng các tin nhắn qua điện thoại, email hoặc các trang mạng xã hội.
Cô bé 12 tuổi ở Pordonone cũng chỉ là một trong số rất nhiều các "mục tiêu tấn công" của các nhóm bạn học cùng lớp hoặc cùng trường.
Thống kê cho thấy, số lượng học sinh nữ chịu bạo lực tinh thần qua mạng cao hơn học sinh nam, với tỉ lệ 7,1% so với 4,6% ở nam. Tỷ lệ bạo hành tinh thần với các em nữ ở các vùng miền Bắc cũng cao hơn ở miền Nam.
Hình thức bạo hành phổ biến nhất là sử dụng tên lóng, các từ chửi thề và sỉ nhục nhắm vào đối tượng trên mạng xã hội hoặc qua điện thoại di động (12,1%), sử dụng vũ lực hoặc chửi bới trực tiếp (6,3%), reo rắc các thông tin bất lợi (5,1%) hoặc cô lập, gạt bỏ đối tượng ra khỏi các nhóm do bất đồng quan điểm (4,7%). Tình trạng bạo lực xảy ra cao nhất ở các trường trung học phổ thông.
Một thăm dò của trang web học đường skuola.net cho thấy, tình trạng bạo lực học đường gia tăng một phần vì trung bình cứ 3 nạn nhân thì chỉ có 1 tiết lộ chuyện này cho người khác.
Những người còn lại giữ im lặng vì xấu hổ (30% số được hỏi trả lời như thế) và từ đó, họ âm thầm thực hiện việc trả thù (24%). Lứa tuổi từ 14 đến 17 chứng kiến nhiều trường hợp im lặng nhất, trong khi trẻ lứa tuổi từ 11 đến 13 tự giác "mách" bố mẹ và thầy cô giáo.
Tuy nhiên, ngay cả những người được bọn trẻ báo cho các sự việc cũng thường xuyên giữ im lặng. Cứ 4 người thì 1 người không hề nói chuyện này với ai khác. 44% số người im lặng cho rằng, họ làm thế, vì họ tin rằng, "đấy là chuyện của riêng họ"./.