Ngày 10/2, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy Fabio Panetta cho biết thời điểm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất đang "đến rất gần" và các bước đi kịp thời và dần dần có thể giúp giảm bớt những biến động tiếp theo trên thị trường tài chính và trong nền kinh tế.
Ông cũng bác bỏ lo ngại về một vòng xoáy lạm phát mới, dấu hiệu mới nhất cho thấy áp lực nới lỏng chính sách tiền tệ của Khu vực Đồng Euro đang gia tăng.
Ông Panetta, người trở thành người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Italy vào tháng 11/2023, cho biết lạm phát ở khu vực đồng euro đang giảm nhanh hơn dự kiến, nền kinh tế vốn đã trì trệ của châu Âu đang gặp ngày càng nhiều thách thức và dữ liệu gần đây "rõ ràng chỉ ra tình trạng giảm phát đang diễn ra."
Phát biểu tại thành phố Genoa, miền Bắc Italy, ông Panetta cho biết động thái chính sách tiền tệ tiếp theo phải phản ánh tình trạng giảm phát đang diễn ra và một vòng xoáy giá-lương khó xảy ra, trong khi việc tăng lãi suất đang chứng tỏ có tác động đến kinh tế mạnh hơn trước.
Ông nói: "Những lo ngại rằng lạm phát sẽ ngừng giảm sau đợt giảm nhanh ban đầu giờ đây dường như không có cơ sở: Lạm phát đang giảm ở mức tương tự hoặc nhanh hơn mức chúng đã từng tăng.
Chúng ta cần xem xét ưu và nhược điểm của việc cắt giảm lãi suất nhanh chóng và dần dần, trái ngược với việc cắt giảm muộn hơn và mạnh mẽ hơn, điều này có thể làm tăng sự biến động trên thị trường tài chính và hoạt động kinh tế."
Ông nói thêm rằng sau khi nền kinh tế Khu vực Đồng Euro đình trệ trong 5 quý, với lĩnh vực công nghiệp "suy thoái" và hoạt động cho vay ngân hàng chậm lại, "giảm phát đang ở giai đoạn nặng và tiến trình hướng tới mục tiêu lạm phát 2% tiếp tục nhanh chóng."
Ông Panetta - một trong những người có tiếng nói ôn hòa nhất trong hội đồng điều hành ấn định lãi suất của ECB - cho biết thêm: "Thời điểm đảo ngược lập trường chính sách tiền tệ đang đến rất gần."
Lạm phát tại Khu vực Đồng Euro đã giảm nhanh chóng từ mức cao kỷ lục 10,6% vào tháng 10/2022, sau khi giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt. Vào tháng 1/2024, tỷ lệ lạm phát hàng năm trong khối là 2,8%, gần với mục tiêu 2% của ECB.
Các nhà đầu tư đang đặt cược ECB sẽ bắt đầu cắt giảm chi phí vay sớm nhất là vào tháng Tư tới. Nhưng khả năng đó đã giảm vào tuần trước, sau khi các quan chức ECB khác cảnh báo vẫn còn rủi ro về áp lực mới lên giá cả.
Isabel Schnabel, thành viên ban điều hành ECB, nói: "Chúng tôi phải kiên nhẫn và thận trọng vì chúng tôi biết, cũng từ kinh nghiệm lịch sử, rằng lạm phát có thể bùng phát trở lại."
Nhà kinh tế trưởng của ECB, Philip Lane, đánh giá trong một bài phát biểu rằng dữ liệu gần đây cho thấy tình trạng giảm phát "có thể diễn ra nhanh hơn dự kiến trước đây."
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo áp lực giá dự kiến sẽ tăng lên khi lạm phát năng lượng ổn định, chi phí lao động tăng, nhu cầu phục hồi và các biện pháp hỗ trợ của chính phủ chấm dứt.
Ông Lane nói: "Chúng ta cần phải tiến xa hơn nữa trong quá trình giảm phát trước khi có thể đủ tin tưởng rằng lạm phát sẽ đạt mục tiêu."
Tuy nhiên, ông Panetta bác bỏ lo ngại rằng mức tăng lương nhanh chóng - khi người lao động cố gắng phục hồi sức mua mà họ đã mất trong đợt tăng giá sinh hoạt lớn nhất trong một thế hệ - có thể khiến lạm phát tăng trở lại.
Ông Panetta chỉ ra rằng lao động chiếm ít hơn 40% tổng chi phí đối với một công ty trung bình ở khu vực đồng euro và bất kỳ sự gia tăng nào cũng có thể được bù đắp bằng giá hàng hóa trung gian và năng lượng giảm.
Với chi phí ổn định và nhu cầu yếu, các doanh nghiệp ít có khả năng chuyển việc tăng lương sang người tiêu dùng.
ECB đã giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục 4% vào tháng 1/2024 và tái khẳng định cam kết chống lạm phát. Cuộc tranh luận hiện tập trung vào việc liệu ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng Tư tới hay quyết định trì hoãn.
ECB đã kết thúc chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất từ trước đến nay vào tháng 9/2023./.
ECB công bố quyết định tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục
Quyết định về lãi suất của ECB dựa trên đánh giá về triển vọng lạm phát theo triển vọng tích cực của dữ liệu kinh tế và tài chính, động lực của lạm phát cơ bản và sức mạnh của chính sách tiền tệ.