Italy kết thúc cuộc điều tra thảm họa sập cầu ở Genoa

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng của Italy cho biết đã "sốc" trước một số kết luận điều tra, đáng chú ý là thông tin "cây cầu hoàn hoàn không được bảo dưỡng, bảo trì thích hợp trong suốt 51 năm vận hành."
Italy kết thúc cuộc điều tra thảm họa sập cầu ở Genoa ảnh 1Cây cầu mới được xây dựng thay thế cây cầu cũ Morandi bị sập tại thành phố Genoa, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Gần 3 năm sau thảm họa sập cầu ở Genoa (Italy), cơ quan công tố nước này ngày 22/4 đã công bố kết luận điều tra với nhiều tình tiết bất ngờ dự kiến sẽ dẫn tới một loạt cáo buộc hình sự.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng của Italy Giancarlo Cancelleri cho biết đã "sốc" trước một số kết luận điều tra, đáng chú ý là thông tin "cây cầu hoàn hoàn không được bảo dưỡng, bảo trì thích hợp trong suốt 51 năm vận hành."

Theo truyền thông Italy, kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 1967 đã không có sự gia cố nào với các cáp hỗ trợ chân cầu cho đến khi bị sập vào ngày 14/8/2018 khiến 43 người thiệt mạng.

[Italy: Hoàn thiện cây cầu mới thay thế cầu cạn Morandi bị sập năm 2018]

Ông Cancelleri bày tỏ hy vọng sớm diễn ra các phiên xét xử tìm lại công bằng cho nạn nhân và thân nhân. Ngoài ra, hồ sơ vụ án cho thấy công tác kiểm tra và giám sát cây cầu đã được triển khai hết sức sơ sài.

Liên quan đến vụ sập cầu này, các nhà điều tra đã xác định 69 cá nhân liên quan, trong đó có Giovanni Castelluci - người đứng đứng đầu công ty mẹ của Autostrade per l'Italia - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và bảo trì cây cầu đường bộ này cùng hàng loạt quan chức của Spea - đơn vị có nhiệm vụ bảo trì cây cầu.

Trưa 14/8/2018, một nhịp cầu dài khoảng 200m trên cầu Morandi dài 1,2km thuộc tuyến đường cao tốc A10 nối thành phố cảng Genoa với miền Nam nước Pháp, bất ngờ rơi từ độ cao khoảng 100m đè xuống một đoạn đường ray tàu hỏa, một nhà máy và nhiều ngôi nhà phía dưới, khiến ít nhất 43 người thiệt mạng.

Thảm họa này đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng cầu đường xuống cấp tại Italy cũng như nhiều nước châu Âu./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.