Italy kêu gọi EU hỗ trợ sự hội nhập của các nước Balkan

Ngoại trưởng Italy nhấn mạnh các nước ở khu vực Balkan có tầm quan trọng chiến lược không chỉ đối với Italy mà còn với toàn châu Âu.
Italy kêu gọi EU hỗ trợ sự hội nhập của các nước Balkan ảnh 1Ngoại trưởng Italy Angelino Alfano. (Nguồn: UrbanPost)

Ngoại trưởng Italy Angelino Alfano ngày 14/3 đã hối thúc Liên minh ​châu Âu (EU) tăng cường cam kết của khối này trong việc hỗ trợ sự hội nhập của các nước Balkan nhằm đối phó với tình trạng gia tăng căng thẳng mang tính dân tộc chủ nghĩa ở khu vực này.

Phát biểu với báo giới ngày 14/3 khi đang trong chuyến thăm Albania, Ngoại trưởng Italy nhấn mạnh các nước ở khu vực Balkan có tầm quan trọng chiến lược không chỉ đối với Italy mà còn với toàn châu Âu.

Các nước Albania, Serbia, Macedonia, Montenegro, Bosnia Herzegovina - và cả vùng lãnh thổ (thuộc Serbia) Kosovo - hiện đang trong các giai đoạn khác nhau của tiến trình gia nhập EU. Tuy nhiên, gần đây các cuộc xung đột chính trị nội bộ và những căng thẳng trong quan hệ giữa các nước ở khu vực đã cản trở tiến trình này.

Theo ông Alfano, nguy cơ bất ổn ở các nước Balkan đang gia tăng, đe dọa gây ảnh hưởng đến những thành quả đã đạt được. Do vậy, EU cần tái khẳng định vai trò của mình với tư cách là đối tác chính ở khu vực này, đồng thời nên gửi đi một thông điệp cụ thể và mạnh mẽ nhấn mạnh cam kết hợp tác với toàn bộ các nước ở Tây Balkan.

Trong những ngày qua, người đứng đầu ngành ngoại giao Italy cũng đã đến thăm một số nước Balkan. Dự kiến, Italy sẽ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa một số nước EU và Tây Balkan tại thành phố Trieste ở Đông Bắc nước này vào ngày 12/7 tới.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 14/3 đã có cuộc gặp với Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic để thảo luận về cuộc khủng hoảng người di cư và nhiều vấn đề quan trọng khác. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini hồi đầu tháng cũng đã có chuyến công du đến khu vực Balkan để tái khẳng định với các nước ở khu vực này rằng EU vẫn để ngỏ khả năng mở rộng khối, bất chấp những bất đồng trong nội bộ 28 quốc gia thành viên EU, trong đó đỉnh điểm là sự kiện Anh quyết định rời khỏi EU - hay còn gọi là Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.