Theo phóng viên TTXVN tại Rome, trước áp lực nặng nề do lượng người di cư từ châu Phi ngày càng tăng, Italy đã phải tìm kiếm sự can thiệp của Liên hợp quốc để giải quyết vấn đề.
Phát biểu bên lề hội nghị thường niên của Liên đoàn giới chủ Italy (Confindustria) tại Rome, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Antonio Tajani bày tỏ: “Chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề (di cư) do tình hình ở châu Phi gây ra tại kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra trong tuần tới ở New York (Mỹ). Tình hình ở châu Phi không còn có tiềm năng bùng nổ, mà đã bùng nổ rồi.”
[Số đơn xin tị nạn tại EU tăng 28% trong nửa đầu năm 2023]
Ông Tajani cho rằng cần phải triển khai các biện pháp tức thời và sâu rộng để giải quyết vấn đề di cư bất thường ngày càng nghiêm trọng. Người đứng đầu ngành ngoại giao Italy nêu rõ: “Chúng ta cần tiến tới hồi hương những người không có quyền ở lại châu Âu. Châu Âu không thể giả vờ như không có chuyện gì xảy ra và tôi tin rằng Pháp sẽ hiểu vấn đề của chúng tôi” đồng thời cho biết ông sẽ đến Paris và Berlin ngay sau khi trở về từ New York.
Trong khi đó, theo tuyên bố của đại diện Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), tình hình trên đảo Lampedusa đã trở nên “nghiêm trọng” sau sự xuất hiện của số lượng người di cư và người tị nạn chưa từng có trong những ngày gần đây.
UNHCR kêu gọi thiết lập cơ chế khu vực thống nhất về thủ tục cập bến và bố trí lại những người di cư đến Italy bằng đường biển trên khắp Liên minh châu Âu (EU).
Bộ Nội vụ Italy cho biết trong năm nay (tính đến ngày 14/9), gần 126.000 người di cư đã đến Italy bằng đường biển, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo xu hướng hiện tại, lượng người di dư đổ về Italy đang gần đạt mức cao kỷ lục khoảng 181.500 người từng được ghi nhận năm 2016./.