Italy kêu gọi tái cơ cấu nền kinh tế EU để thúc đẩy tăng trưởng

Bộ trưởng Tài chính Italy Pier Carlo Padoan, chủ trì phiên họp của các Bộ trưởng Tài chính EU tại Brussels, Bỉ, nhấn mạnh EU và Italy cần chú trọng tái cơ cấu nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.
Bộ trưởng Tài chính Italy, Pier Carlo Padoan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) ngày 8/7, Bộ trưởng Tài chính Italy Pier Carlo Padoan, người chủ trì phiên họp, nhấn mạnh EU và Italy cần chú trọng tái cơ cấu nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.

Ông Padoan cho biết với tư cách Chủ tịch luân phiên EU, Italy sẽ giúp tất cả các nước thành viên EU tìm ra "động lực" để tái cơ cấu nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư.

Italy cũng yêu cầu EU linh hoạt hơn trong việc giới hạn mức thâm hụt ngân sách của các nước thành viên để giải quyết nạn thất nghiệp.

Trong khi đó, các nước như Anh, Hà Lan và một số nền kinh tế lớn khác cho trần nợ công của các nước nên duy trì như ở mức hiện tại.

Theo quy định của EU, mức thâm hụt ngân sách của mỗi quốc gia thành viên không được vượt quá 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và trần nợ công dưới 60% GDP.

Sau khi đảm nhiệm chức Chủ tịch EU đầu tháng Bảy vừa qua, Italy đã đưa ra kế hoạch hành động trong nhiệm kỳ sáu tháng tới, trong đó tập trung vào tăng trưởng và tạo việc làm dựa trên ba trụ cột.

Thứ nhất, tất cả các nước thành viên EU cần thị trường có mức độ hội nhập tốt hơn, điều này nhất quán với chiến lược của EU đến năm 2020.

Thứ hai, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và coi đây là một động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng trong tất cả các nước.

Thứ ba là sử dụng các công cụ tài chính để hỗ trợ và thúc đẩy đầu tư ở cả khu vực kinh tế nhà nước lẫn tư nhân.

Hai tuần trước, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã cảnh báo EU cần đơn giản hóa các quy định về giới hạn ngân sách vì cho rằng các quy định quá phức tạp này không khuyến khích đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Italy - nền kinh tế lớn thứ ba tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao, lên tới 12,6% và nợ công được dự đoán có thể tới 135% GDP cuối năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục