Italy lo sợ bị khủng bố nếu can thiệp quân sự vào Libya

Viễn cảnh Italy đứng đầu một lực lượng quân sự quốc tế can thiệp vào Libya đang khiến người dân Italy lo ngại rằng, hành động này có thể dẫn đến việc đất nước họ có nguy cơ bị khủng bố.
Italy lo sợ bị khủng bố nếu can thiệp quân sự vào Libya ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Viễn cảnh Italy đứng đầu một lực lượng quân sự quốc tế can thiệp vào Libya đang khiến người dân Italy lo ngại rằng, hành động này có thể dẫn đến việc đất nước họ có nguy cơ bị khủng bố.

Một cuộc thăm dò dư luận được công bố trên trang web Huffington Post bản tiếng Italy cho biết, 49,7% những người được hỏi lo sợ rằng việc Italy đưa quân vào Libya có thể dẫn đến nguy cơ nước này bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tấn (IS) công khủng bố.

Mặc dù vậy, 42,7% tin rằng, tình báo của họ đủ xuất sắc để ngăn chặn các âm mưu khủng bố.

Chỉ có 7,2% cho rằng sẽ không có nguy cơ nào rình rập Italy nếu một cuộc can thiệp quân sự vào Libya xảy ra.

Thăm dò này cũng cho thấy, đa phần người Italy phản đối việc nước này can thiệp vào Libya. 58,5% số người được hỏi cho rằng việc này là "không cần thiết" và không thể đem lại hòa bình tới đất nước Bắc Phi đã ​5 năm chìm trong hỗn loạn.

Tuy nhiên, 30,7% lại cho rằng việc không can thiệp sẽ dẫn đến nguy cơ Italy bị IS tấn công cao hơn, một khi tình hình Libya không thể kiểm soát được nữa.

Trong hơn một tháng qua, khi tình hình Libya trở nên hỗn loạn hơn, với việc các phe phái chính trị ở Libya không thống nhất được việc thành lập một chính phủ hợp nhất, trong thời điểm IS đang ngày càng mở rộng vùng chiếm đóng và từ đó tạo ra mối đe dọa đối với Châu Âu, nhất là Italy, nơi gần Libya nhất, báo chí Italy đã nói đến khả năng nước này sẽ đứng đầu một liên minh quân sự quốc tế can thiệp để bình ổn Libya.

Tuy nhiên, tuần trước, trong một phát biểu trên tivi, Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã tuyên bố quân đội Italy sẽ không can thiệp vào Libya "nếu như không nhận được đề nghị chính thức từ chính phủ Libya" và "được phép của Liên hợp quốc."

"Chiến tranh không phải là một trò chơi điện tử", ông nói. "Đưa 5 nghìn quân Italy vào Libya không phải là điều tôi muốn làm trên cương vị Thủ tướng."

Hồi đầu tháng Ba, trả lời phỏng vấn nhật báo Corriere della Sera, Đại sứ Mỹ tại Italy William Phillips đã nói thẳng rằng, Mỹ ủng hộ việc Italy cử 5 nghìn quân tới Libya trong một sứ mệnh quốc tế nhằm đem lại hòa bình ở Libya.

Nhật báo này cũng khẳng định rằng, Italy, với sự hiểu biết sâu sắc về Libya, sẽ đứng đầu liên minh quân sự với số quân từ 3 nghìn đến 7 nghìn người này.

Corriere cũng nói hải quân và không quân Italy cũng sẽ tham chiến trong chiến dịch này.

Trước đó, Italy cũng đã cho phép Mỹ sử dụng một căn cứ không quân ở miền Nam Italy cho các máy bay không người lái cất cánh để trinh sát trên bầu trời Libya.

Italy có lợi ích rất lớn về kinh tế và an ninh tại Libya, thuộc địa cũ của họ cho tới Thế chiến 2.

Tập đoàn năng lượng ENI của Italy có rất nhiều dàn khoan ở thềm lục địa cũng như các giếng khoan trên lãnh thổ Libya.

Tuy nhiên, hoạt động của tập đoàn này đã bị đe dọa nghiêm trọng do bất ổn chính trị ở Libya, đặc biệt là sau khi IS chiếm được thành phố cảng Sirte, nơi chỉ cách Italy hơn 200km theo đường chim bay và đe dọa trực tiếp các giếng dầu.

Chủ đề về việc can thiệp quân sự đã trở nên nóng hơn sau khi hai con tin Italy là các chuyên gia dầu khí nước này bị bắt cóc từ năm 2015 đã thiệt mạng trong một cuộc đấu súng mới đây giữa IS và các phe phái quân sự khác.

Một cuộc thăm dò dư luận mới đây được công bố trên kênh truyền hình RAI cũng cho thấy, có tới 81% số người được hỏi không đồng ý việc Italy đưa quân can thiệp quân sự vào Libya./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.