Italy nêu điều kiện cho ChatGPT hoạt động trở lại vào cuối tháng Tư

Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ dữ liệu Italy khẳng định: "Garante sẵn sàng cho phép ChatGPT hoạt động trở lại tại Italy vào ngày 30/4 tới nếu phía OpenAI sẵn sàng thực hiện những động thái hữu ích."
Italy nêu điều kiện cho ChatGPT hoạt động trở lại vào cuối tháng Tư ảnh 1(Nguồn: Getty Images)

Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ dữ liệu của Italy (Garante), ông Pasquale Stanzione, cho biết cơ quan này sẵn sàng cho phép ChatGPT - chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của Công ty OpenAI (Mỹ) - hoạt động trở lại vào cuối tháng Tư này nếu OpenAI thực hiện "các bước hữu ích" để giải quyết các mối quan ngại của Garante.

Báo Corriere della Serangày 18/4 đăng nội dung trả lời phỏng vấn của ông Stanzione khẳng định "Garante sẵn sàng cho phép ChatGPT hoạt động trở lại tại Italy vào ngày 30/4 tới nếu phía OpenAI sẵn sàng thực hiện những động thái hữu ích."

Trong tuần qua, Garante đã đề ra một danh sách các yêu cầu mà OpenAI phải thực hiện trước ngày 30/4 tới để tháo gỡ những quan ngại của cơ quan này.

[Italy đặt thời hạn cho OpenAI để nối lại dịch vụ chatbot ChatGPT]

Cuối tháng Ba vừa qua, ChatGPT của OpenAI được tập đoàn Microsoft Corp hậu thuẫn đã bị chặn trên các nền tảng trực tuyến ở Italy, sau khi Garante tạm thời hạn chế công ty này sử dụng dữ liệu cá nhân người dùng tại đây và mở một cuộc điều tra về nghi vấn OpenAI vi phạm các quy tắc bảo mật.

Italy là quốc gia Tây Âu đầu tiên hạn chế ChatGPT, song sự phát triển nhanh chóng của chatbot này đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp và cơ quan quản lý ở một số quốc gia khác.

Ngày 17/4 vừa qua, giới chức lập pháp Liên minh châu Âu đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tiến hành một hội nghị thượng đỉnh thảo luận cách thức để kiểm soát sự phát triển của các hệ thống AI tiên tiến như ChatGPT, cho rằng các hệ thống này đang phát triển nhanh hơn dự kiến.

Theo ông Stanzione, Italy hành động đơn phương chặn ChatGPT vì cần phải hành động khẩn cấp đối với vấn đề này. Ông nêu rõ nếu chờ một quyết định ở cấp độ châu Âu sẽ làm chậm trễ ít nhất 3 hoặc 4 tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục