Italy ngầm mở không phận cho Mỹ trong các chiến dịch chống IS

Chính phủ Italy đã “âm thầm” cho phép các máy bay không người lái có vũ trang của Mỹ tham gia chiến dịch quân sự chống IS tại Lybia xuất kích từ căn cứ quân sự đặt tại nước này.
Italy ngầm mở không phận cho Mỹ trong các chiến dịch chống IS ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: studentnewsdaily.com)

Chính phủ Italy đã “âm thầm” cho phép các máy bay không người lái có vũ trang của Mỹ tham gia chiến dịch quân sự chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Lybia xuất kích từ một căn cứ quân sự đặt tại nước này.

Tờ Wall Street Journal số ra ngày 22/2 cho biết thỏa thuận trên đạt được giữa Rome và Washington hồi tháng trước.

Theo đó, các máy bay không người lái của Mỹ muốn cất cánh từ căn cứ không quân Sigonella ở Sicily để bảo vệ binh sỹ Mỹ trong các chiến dịch chống IS tại Libya và các nơi khác tại Bắc Phi phải xin phép Chính phủ Italy trên cơ sở từng trường hợp một.

Việc sử dụng các máy bay không người lái này vào mục đích tấn công sẽ không được phép.

Đây là một bước ngoặt đối với Washington sau hơn một năm đàm phán với nhà chức trách Rome.

Hiện chính quyền Mỹ đang tiếp tục nỗ lực vận động để Italy cho phép các máy bay này tham gia các chiến dịch tấn công, được đánh giá là một sứ mệnh khó khăn vì các quan chức Italy quan ngại về sự phản đối của công chúng và các nhóm phản đối chiến tranh.

Mỹ coi Italy đóng vai trò quan trọng trong liên minh chống IS tại Libya, dự kiến bao gồm cả Anh và Pháp.

Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã cam kết nước này sẽ cung cấp sự hỗ trợ cho liên minh trên, nhưng nhấn mạnh rằng quân đội Italy sẽ không tham gia vào các cuộc không kích chống IS.

Hiện chính quyền Tổng thống Barrack Obama đang xem xét một chiến lược tổng thể hơn nhằm đối phó với IS tại Lybia, và có thể dẫn tới một chiến dịch theo đó một liên minh nhỏ sẽ tiến hành các cuộc không kích liên tục và triển khai các lực lượng đặc nhiệm trên mặt đất phối hợp với các lực lượng quân đội Lybia.

Cùng với căn cứ tại Sigonellia, Mỹ đang nỗ lực thiết lập thêm một căn cứ máy bay không người lái ở Bắc Phi để giảm khoảng cách tiếp cận các mục tiêu.

Hiện các cuộc đàm phán với các quốc gia Bắc Phi chưa mang lại kết quả mong muốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.