Italy: Người biểu tình phản đối biện pháp hạn chế đụng độ với cảnh sát

Hàng nghìn người tập trung biểu tình tại các thành phố lớn Milan, Torino, Napoli, thủ đô Roma để phản đối sắc lệnh mới của chính phủ tăng cường các biện pháp hạn chế để kiềm chế đại dịch COVID-19.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại Turin, Italy ngày 26/10/2020. (Nguồn: Getty Images)
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại Turin, Italy ngày 26/10/2020. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 27/10, Bộ Nội vụ Italy cảnh báo nguy cơ bùng phát căng thẳng xã hội đồng thời khẳng định sẽ kiên quyết ngăn chặn hành động bạo lực trong các cuộc biểu tình hiện đang xảy ra tại nước này nhằm phản đối biện pháp kiểm dịch mới của chính phủ.

Theo phóng viên TTXVN tại Roma, hàng nghìn người tập trung biểu tình tại các thành phố lớn Milan, Torino, Napoli, thủ đô Roma để phản đối sắc lệnh mới của chính phủ tăng cường các biện pháp hạn chế để kiềm chế đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong một thông báo ngày 26/10, Bộ Nội vụ Italy cho biết đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát. Về cơ bản, những đối tượng chính trong các cuộc đụng độ không phải những người dân chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, mà là những đối tượng lợi dụng kích động bạo loạn, các nhóm cực đoan.

Do đó, Bộ Nội vụ Italy khẳng định sẽ có biện pháp trấn áp các hành động quá khích, những đối tượng cực đoan lợi dụng làm rối loạn tình hình. Hiện bộ trên cùng các cơ quan an ninh thường xuyên liên lạc với chính quyền vùng, tỉnh, địa phương để thực hiện mọi biện pháp can thiệp, ngăn chặn tình huống xấu nhất là bùng phát bạo lực.

[Italy ngừng dịch vụ kinh doanh ăn uống sau 18 giờ từ ngày 26/10]

Làn sóng biểu tình tại Italy gia tăng sau khi ngày 24/10, Thủ tướng Giuseppe Conte công bố sắc lệnh mới, yêu cầu đóng cửa các dịch vụ ăn uống sau 18 giờ hàng ngày, đóng cửa các cơ sở vui chơi, giải trí, nhà hát, rạp chiếu phim… để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.

Sắc lệnh vấp phải sự phản đối từ phe đối lập trong khi lãnh đạo đảng Italia Viva, Matteo Renzi cũng yêu cầu sửa đổi sắc lệnh đồng thời cảnh báo có thể rút khỏi liên minh cầm quyền.

Tuy nhiên, Thủ tướng Giuseppe Conte khẳng định nếu không có những biện pháp nghiêm ngặt, tình hình dịch bệnh tại Italy sẽ vượt kiểm soát; đồng thời kêu gọi tránh làm gia tăng bất ổn xã hội.

Sắc lệnh mới nhằm tránh lặp lại giai đoạn đỉnh điểm tháng 3-4 năm nay khi các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải. Sắc lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 26/10-24/11.

Theo worldometers.info, tính đến ngày 27/10, tổng số ca mắc COVID-19 tại Italy là 542.789 ca, trong đó số ca mắc mới tiếp tục tăng mạnh với 17.012 ca được ghi nhận trong 24 giờ qua.

Bên cạnh việc gia tăng các biện pháp nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, Italy cũng đang nỗ lực tìm kiếm những biện pháp điều trị tiềm năng để giảm tải cho hệ thống y tế.

Italy: Người biểu tình phản đối biện pháp hạn chế đụng độ với cảnh sát ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: nih.gov)

Ngày 27/10, Cơ quan quản lý dược phẩm Italy đã cho phép thử nghiệm thuốc raloxifene - thuốc hỗ trợ điều loãng xương - để điều trị COVID-19 trên người sau khi các nhà nghiên cứu cho rằng thuốc này có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh và giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Các nhà nghiên cứu hy vọng raloxifene có thể ngăn chặn virus sao chép trong tế bào và từ đó giúp cải thiện tình trạng ở các ca bệnh nhẹ, giảm nguy cơ lây nhiễm và hạn chế nồng độ virus trong máu.

Từ khi đại dịch mới xảy ra, một số bằng chứng đã cho thấy oestrogen - hormone sinh dục trong cơ thể phụ nữ tiền mãn kinh - có tác dụng bảo vệ trước nguy cơ nhiễm bệnh.

Các nhà khoa học tin rằng raloxifene, thuốc giúp củng cố hệ xương ở phụ nữ lớn tuổi có nồng độ oestrogen thấp, có thể tạo ra lớp bảo vệ tương tự. Thử nghiệm raloxifene trên người có sự tham gia của 450 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện và tại nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.