Italy: Tân Tổng thống sẽ là một lực đẩy cho các cải cách

Italy: Tân Tổng thống sẽ là một lực đẩy cho các cuộc cải cách

Thủ tướng Italy Matteo Renzi phát biểu như vậy hôm 2/2 về những tác động quan trọng của việc thẩm phán Tòa án Hiến pháp Sergio Mattarella được các nhà lập pháp Italy bầu làm Tổng thống mới.
Italy: Tân Tổng thống sẽ là một lực đẩy cho các cuộc cải cách ảnh 1Tân Tổng thống Italy Sergio Mattarella tại Hội đồng Hiến pháp ở thủ đô Rome ngày 31/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

"Tân Tổng thống sẽ là một lực đẩy cho các cuộc cải cách." Đó là tuyên bố của Thủ tướng Italy Matteo Renzi hôm 2/2 về những tác động quan trọng của việc thẩm phán Tòa án Hiến pháp Sergio Mattarella được các nhà lập pháp Italy bầu làm Tổng thống mới hôm 31/1 vừa qua. 

Tuyên bố trên được đưa ra trong một phỏng vấn trên đài RTL của Italy, và sau đó được báo chí nước này cho là một khẳng định mang tính tích cực đối với việc ông Renzi đề cử ông Mattarella, một trong những thành viên sáng lập của đảng Dân chủ (Pd) mà Renzi là người lãnh đạo, và sau đó, chứng kiến Mattarella đắc cử.

Các nhà phân tích cho rằng, đây là một thắng lợi của cá nhân ông Renzi và đảng Pd trong việc đoàn kết lại đảng này trong giai đoạn ông Renzi và chính phủ sa sút uy tín, đồng thời đẩy các đảng đối lập vào khủng hoảng, trong đó chủ yếu là đảng Forza Italia của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.

Trả lời câu hỏi về việc ông Mattarella đắc cử mà không được sự ủng hộ của Berlusconi liệu có ảnh hưởng gì đến vai trò của đảng Forza Italia trong các cải cách về luật bầu cử mới và cải cách Hiến pháp mà đảng Pd đã thỏa thuận với họ từ năm ngoái không, ông Renzi khẳng định rằng, Pd sẵn sàng tiến về phía trước, bất kể Forza Italia có muốn hay không.

Theo nhật báo La Repubblica, Berlusconi vẫn sẽ ủng hộ các thỏa thuận đã đạt được với ông Renzi để tiếp tục tiến hành những cải cách quan trọng về chính trị cho Italy.

Cũng theo nhật báo này, việc đưa được ông Mattarella lên làm Tổng thống Italy sẽ giúp cho ông Renzi nâng cao uy tín, tạo điều kiện cho Pd mở rộng phe đa số trong hai viện Quốc hội và điều đó có lợi cho các kế hoạch cải cách nhiều mặt mà Thủ tướng Renzi đang theo đuổi.

Trong thời gian tới, đảng Pd sẽ thúc đẩy một loạt các cải cách quan trọng, trong đó có các cải cách về thuế, hệ thống tư pháp, thị trường lao động, giáo dục, truyền thông, sửa đổi Hiến pháp và đặc biệt là cải các về luật bầu cử.

Luật bầu cử mới được coi là cải cách trọng điểm của Thủ tướng Renzi và đảng Pd, với mục đích thay thế luật bầu cử cũ.

Hôm 28/1, Thượng viện Italy đã bật đèn xanh cho việc thông qua dự luật này, khi bỏ phiếu chấp thuận những sửa đổi mà các đảng phái đưa ra, thống nhất với sửa đổi mức thưởng ghế cho đảng giành nhiều phiếu nhất từ 37% lên 40% và mức trần để các đảng có ghế trong Hạ viện là 3%. Theo dự kiến, Hạ viện sẽ họp để thông qua dự luật này vào tháng 4 tới và luật sẽ có hiệu lực từ năm 2016.

Uy tín của ông Renzi đã giảm sút liên tục kể từ mùa thu 2014 cho đến giờ, sau khi các cải cách về thị trường lao động của ông vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nghiệp đoàn lao động và việc thương lượng về luật bầu cử mới với cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã gây chia rẽ mạnh mẽ trong đảng Pd.

Các cuộc thăm dò dư luận trong hai tháng gần nhất cho thấy, tỷ lệ cử tri ủng hộ Thủ tướng Renzi đã xuống dưới mức 50%. Tỷ lệ ủng hộ chính phủ cũng đã giảm từ 46% trong tháng 12/2014 xuống còn 46% trong tháng 1/2015.

Theo dự kiến, Tổng thống mới sẽ tuyên thệ và chính thức nhậm chức trong một buổi lễ trọng thể hôm 3/2./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.