Nạn quan liêu, với thủ tục hành chính vô cùng rườm rà và sự thiếu hiệu quả của hệ thống hành chính công, đã khiến ngân sách của Italy thiệt hại 31 tỷ euro mỗi năm, tương đương gần 2% GDP.
Đó là số liệu thống kê mà Tổng các hiệp hội doanh nghiệp Italy (Rete Imprese Italia) đưa ra dựa theo các tính toán của Bộ Hành chính công nước này.
Theo Rete Imprese, chín trong số 31 tỷ euro trên hoàn toàn có thể cắt giảm được ngay tức khắc và việc này sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế.
Rete Imprese cho rằng việc cắt giảm những khoản chi phí cho hành chính công có thể làm tăng GDP tới 1% trong vòng bốn năm tới.
Cũng theo Rete Imprese, các thủ tục hành chính quá rườm rà đã ngăn cản các hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trung bình mỗi năm, một người làm công trong một doanh nghiệp thuộc loại này thường mất một tháng cho việc hoàn chỉnh các thủ tục hành chính khác nhau, chủ yếu là về thuế.
Bản thân các doanh nghiệp đó cũng đối mặt với hàng loạt thủ tục để mở hoặc đóng lại các hoạt động kinh doanh.
Chính phủ của Thủ tướng Matteo Renzi hiện đang mắc kẹt trong những kế hoạch cải cách mà họ đề ra, trong đó có việc xem xét lại toàn bộ các khoản chi ngân sách cho hành chính công có thể cắt giảm được, giảm lượng xe công và “tuyên chiến” với những công chức bị kỷ luật hoặc năng lực quá kém bằng việc sa thải họ.
Vụ bê bối mới nhất liên quan đến hệ thống hành chính công là việc cảnh sát đã bắt gần 40 nhân viên chính quyền thành phố Sanremo, khi những người này bị cáo buộc đã gian lận việc quẹt thẻ điện tử chấm công cho mình và nhiều đồng nghiệp để trốn việc trong giờ làm, nhưng vẫn lĩnh lương và thưởng bình thường./.