Italy: Tổng bãi công chống chính phủ diễn ra trên cả nước

Hàng vạn người đã xuống đường ở trên 50 thành phố nước Italy, trong một cuộc tổng bãi công và biểu tình chống các chính sách về việc làm và ngân sách của chính phủ.
 Italy: Tổng bãi công chống chính phủ diễn ra trên cả nước ảnh 1Các nhân viên cứu hỏa tham gia tổng đình công ở Turin. (Nguồn: ANSA)

Giao thông và cuộc sống hàng ngày ở Italy đã gián đoạn hôm 12/12, khi hàng vạn người đã xuống đường ở trên 50 thành phố trong cả nước, trong một cuộc tổng bãi công và biểu tình chống các chính sách về việc làm và ngân sách của chính phủ.

Cuộc tổng bãi công do CGIL và UIL, hai trong số ba nghiệp đoàn lao động lớn nhất Italy, tổ chức, là để phản đối đạo luật cải cách lao động mới được thông qua vào tuần trước, trong đó thay đổi điều 18 của Luật lao động năm 1970, cho phép các chủ doanh nghiệp dễ dàng sa thải người lao động hơn.

Các cuộc biểu tình đồng thời thể hiện sự giận dữ trước việc chính phủ sẽ cắt giảm 15 tỉ euro ngân sách cho tất cả các khu vực của ngành kinh tế, hành chính, dịch vụ và phúc lợi xã hội, cũng như cắt 18 tỉ euro thuế nhằm kích thích nền kinh tế đang suy thoái.

Người biểu tình đã va chạm với cảnh sát chống bạo động ở một số thành phố lớn, như Milan, Turin và Genoa. Các tuyến tàu điện ngầm ở thủ đô Rome đã bị đóng cửa, nhiều tuyến ở Milan bị gián đoạn, trong khi cuộc đình công của các nhân viên điều hành bay tại các sân bay lớn trên cả nước đã khiến hơn 200 chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Alitalia, tương đương với 50% số chuyến bay trong ngày của hãng, bị hủy bỏ.

Theo bà Susanna Camusso, Chủ tịch CGIL, với việc thông qua sửa đổi điều 18, khiến người lao động không còn được bảo vệ như trước, chính phủ đã áp dụng những điều luật của những năm 1920, khi Italy bắt đầu chế độ phát xít.

Bà cho rằng, người lao động mong muốn các chính sách kinh tế của chính phủ thành hiện thực, nhưng không phải theo cách đặt việc làm và tương lai của họ vào chỗ bấp bênh.

Trong khi đó, phát biểu ở Turin, Tổng thống Italy Giorgio Napolitano khẳng định rằng, cuộc tổng đình công và biểu tình chống chính phủ này cho thấy mâu thuẫn lớn giữa các nghiệp đoàn lao động và chính phủ của Thủ tướng Matteo Renzi, và rằng, "những xung đột ấy không có lợi cho quốc gia".

Tuyên bố với báo chí, Thủ tướng Renzi, đang ở Istanbul trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kì, nhấn mạnh rằng, việc tiến hành các cải cách về thị trường lao động nói riêng và cải cách đất nước nói chung là điều cần thiết để đưa Italy ra khỏi suy thoái.

Ông cho rằng, tình hình kinh tế Italy chỉ trở nên tốt hơn nếu như tất cả chính giới cũng như xã hội cùng thay đổi. Thủ tướng Renzi cũng khẳng định sẽ không thương lượng với các nghiệp đoàn lao động để bỏ các sửa đổi liên quan đến điều 18 theo như kêu gọi của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.