Tai nạn lao động gia tăng với tỷ lệ người tử vong ngày càng cao hơn đang trở thành một nỗi ám ảnh ở Italy và đang gióng lên hồi chuông báo động về bảo hộ và an toàn lao động tại nước này. Trung bình mỗi ngày, tại Italy có 3 người thiệt mạng vì tai nạn lao động.
Phóng viên TTXVN tại Italy dẫn báo cáo của Cơ quan bảo hiểm quốc gia Italy về thương tật lao động (INAIL) cho biết trong 8 tháng đầu năm 2015 đã có 752 người Italy chết do các tai nạn lao động.
Sau 10 năm, kể từ năm 2006, khi Italy bắt đầu ghi nhận xu hướng giảm xuống hàng năm của những tai nạn lao động chết người, số người thiệt mạng trên các công trường, trong các nhà máy, công xưởng trong năm 2015 đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái, chỉ có 652 trường hợp. Lĩnh vực có số người bị thiệt mạng vì tai nạn lao động nhiều nhất tại Italy là công nghiệp và xây dựng.
Theo ông Franco Bettoni, Chủ tịch Hiệp hội quốc gia của những người thương tật do lao động (Anmil), một tổ chức bảo vệ quyền lợi của các công nhân tàn tật trong suốt 70 năm qua, các luật lệ nhằm bảo vệ công nhân ngày càng siết chặt hơn, nhưng tỷ lệ chết tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2014 cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế đã tác động mạnh lên cả vấn đề bảo vệ người lao động. Các con số cho thấy an toàn vẫn không được coi là ưu tiên hàng đầu và các biện pháp phòng tránh tai nạn vẫn không được coi là mục tiêu chiến lược.
Tuy nhiên, ông Bettoni cũng chỉ ra rằng số người thiệt mạng vì tai nạn lao động có thể cao hơn nữa vì đó mới chỉ tính tới những người lao động có hợp đồng bảo hiểm với INAIL chứ không đề cập đến toàn bộ lực lượng lao động ở Italy. Trên thực tế, hơn 2 triệu người lao động ở Italy, đa số trong số đó thuộc khu vực tư nhân, chiếm 10% tổng lực lượng lao động tại nước này, không mua bảo hiểm của INAIL.
Xét trên bình diện châu Âu, người lao động ở Italy có mức độ rủi ro cao hơn các đồng nghiệp ở nước khác. Năm 2008, trung bình cứ 100.000 công nhân ở Italy thì có 4,5 vụ tai nạn gây chết người, cao hơn Tây Ban Nha (4,19), Đức (2,67), Pháp (1,84) và Anh (1,02). Đến năm 2012, tỷ lệ này ở Italy giảm xuống còn 3,6, nhưng vẫn ở mức rất cao trong Liên minh châu Âu (EU)./.