Italy và Anh có cùng quan điểm, mục tiêu trong giải quyết vấn đề di cư

Thủ tướng Giorgia Meloni cho biết itlay và Anh cùng phối hợp ngăn chặn các tàu chở người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu và kêu gọi các nước khác cùng hành động khẩn cấp.
Italy và Anh có cùng quan điểm, mục tiêu trong giải quyết vấn đề di cư ảnh 1Người di cư được Lực lượng Biên phòng Anh áp giải về cảng Dover khi đang tìm cách vượt biên trái phép vào Anh qua Eo biển Manche. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Italy và Anh mong muốn dẫn đầu các nỗ lực chống nhập cư bất hợp pháp tại châu Âu.

Cụ thể, trong bài viết chung đăng ngày 6/10 trên các báo Corriere della Sera của Italy và The Times của Anh, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và người đồng cấp Anh Rishi Sunak khẳng định có cùng quan điểm và mục tiêu trong việc giải quyết vấn đề di cư.

Theo Thủ tướng Meloni, hai bên cùng phối hợp ngăn chặn các tàu chở người nhập cư và kêu gọi các nước khác cùng hành động khẩn cấp.

Trước đó, ngày 5/10, hai nhà lãnh đạo này đã đồng tổ chức một hội nghị về nhập cư với sự tham dự của các nhà lãnh đạo châu Âu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu ở Granada, Tây Ban Nha.

Tham gia cuộc họp này còn có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Albania Edi Rama và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Trong bài viết, Thủ tướng Meloni và Thủ tướng Sunak cho biết tại hội nghị các nhà lãnh đạo đã cam kết thực hiện hành động để hỗ trợ lẫn nhau giải quyết các thách thức từ tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

[Anh hợp tác chặt chẽ hơn với các nước EU về vấn đề người di cư]

Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu diễn ra trong các ngày 5-6/10 thảo luận về dự luật nhằm chia sẻ trách nhiệm trong việc giải quyết những người di cư mới đến. Tuy nhiên, Anh và Italy muốn hành động ngăn chặn các tàu, thuyền chở người di cư từ nơi xuất phát. Theo đó, tại Granada, hai nước này đã nhất trí về dự thảo kế hoạch với một số quốc gia và tổ chức như EC và các nước thành viên EU gồm Pháp, Hà Lan, Albania.

Mâu thuẫn kéo dài về cách xử lý người tị nạn và người nhập cư đã gây khó khăn cho Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi hơn 1 triệu người đến Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền của những kẻ buôn người vào năm 2015.

Tranh cãi gay gắt giữa các nước thành viên làm sứt mẻ sự đoàn kết của khối. Lượng người di cư gia tăng đến các quốc gia thành viên tuyến đầu đã bộc lộ những hạn chế của EU trong việc thống nhất cách tiếp cận chung và đã trở thành vấn đề ngày càng khó giải quyết ở "Lục địa già"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.