Italy và Malta mâu thuẫn về tiếp nhận tàu chở người di cư

Bộ trưởng Giao thông Italy Danilo Toninelli đã chỉ trích Malta sau khi nước này tuyên bố sẽ không can thiệp vào vấn đề người di cư, trừ việc tiến hành hoạt động cấp cứu trong một số ít trường hợp.
Italy và Malta mâu thuẫn về tiếp nhận tàu chở người di cư ảnh 1Người di cư chờ cứu hộ trên biển Địa Trung hải, cách bờ biển Libya khoảng 30 hải lý. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước thềm cuộc họp thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sắp diễn ra tại Brussels vào ngày 28-29/6 tới nhằm giải quyết bất đồng về người di cư, ngày 24/6, Italy chỉ trích Malta vì đã từ chối tiếp nhận tàu cứu hộ MV Lifeline mang cờ Hà Lan chở người di cư.

Trên trang Facebook của mình, Bộ trưởng Giao thông Italy Danilo Toninelli đã chỉ trích Malta khi đăng tải bản phôtô một thông báo chính thức của Chính phủ Malta, tuyên bố nước này sẽ không can thiệp vào vấn đề người di cư, trừ việc tiến hành hoạt động cấp cứu trong một số ít trường hợp.

Ông Toninelli cho biết tàu Lifeline chở 230 người di cư trên tàu đang neo đậu ở vùng biển SAR (tìm kiếm và cứu hộ) ngoài khơi Malta.

Ông cho biết trách nhiệm của Malta vẫn là rất lớn trong việc tiếp nhận tàu trên bởi không có nước nào khác tham gia phối hợp thực hiện chiến dịch tìm kiếm cứu hộ này.

Trước đó, Chính phủ Malta tuyên bố nước này không có nghĩa vụ pháp lý tiếp nhận người di cư bởi các chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ ban đầu là do Libya thực hiện.

Mâu thuẫn giữa Italy và Malta bùng phát sau khi quốc đảo Địa Trung Hải ở phía Nam đảo Sicily từ chối cho tàu cứu hộ Seefuchs chở 126 người di cư cập cảng. Tàu này sau đó đã được cảng Pozzallo ở Sicily tiếp nhận.

Là một trong những điểm cửa ngõ mà hàng trăm nghìn người di cư tìm đến đầu tiên sau khi trốn chạy khỏi chiến tranh và nghèo đói tại Trung Đông, Bắc Phi và nhiều khu vực khác, Italy từng nhiều lần lên tiếng cho rằng nước này phải một mình giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2, đồng thời kêu gọi các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) mà Malta cũng là một thành viên, tăng cường tiếp nhận người di cư từ Libya./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.