Italy yêu cầu EU chia sẻ trong vụ 450 người mắc kẹt trên biển

Thủ tướng Italy đã trao đổi với lãnh đạo 27 nước EU trong ngày 14/7, nhắc lại cam kết giữa các bên tại hội nghị thượng đỉnh hồi cuối tháng Sáu về việc chia sẻ gánh nặng trong vấn đề người di cư.
Italy yêu cầu EU chia sẻ trong vụ 450 người mắc kẹt trên biển ảnh 1Người di cư trên tàu tuần duyên Diciotti của Italy tại cảng ở Trapani. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 14/7, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết Pháp và Malta đã đồng ý tiếp nhận mỗi nước 50 người di cư trong tổng số 450 người đang mắc kẹt trên hai tàu tuần tra biên giới của Liên minh châu Âu (EU) sau khi không nước nào chịu mở cảng cho các tàu này.

Ông Conte đưa ra thông báo trên trên trang Facebook cá nhân, đồng thời cho biết các nước châu Âu khác cũng sẽ sớm có hành động tương tự.

Nhà lãnh đạo Italy cho biết ông đã trao đổi với lãnh đạo 27 nước EU trong ngày 14/7, nhắc lại cam kết giữa các bên tại hội nghị thượng đỉnh hồi cuối tháng Sáu về việc chia sẻ gánh nặng trong vấn đề người di cư.

Trong một bức thư gửi tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk, ông Conte đã đề nghị "một dấu hiệu rõ ràng về chia sẻ trách nhiệm trong vấn đề người di cư và xem xét khả năng tiếp nhận một phần trong số 450 người di cư mắc kẹt."

Hiện chưa có xác nhận trực tiếp từ phía Pháp về thông tin trên.

[Thể hiện lập trường cứng rắn, Italy không cho người di cư lên bờ]

450 người di cư trái phép trên đã vượt biển từ Libya trên một chiếc thuyền gỗ và được hai tàu tuần tra của EU tìm thấy vào sáng 13/7 tại vùng biển thuộc quyền tài phán của Malta.

Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini, người phụ trách quản lý các cảng biển nước này, đã từ chối cho tàu cập cảng Italy, theo chính sách nhập cư nghiêm ngặt hơn, thay vào đó yêu cầu hai tàu "hướng về phía Nam, tới Libya hoặc Malta." Tuy nhiên, Malta cho rằng các tàu trên ở gần đảo Lampedusa thuộc Italy hơn Malta, đồng thời khẳng định nước này không vi phạm "nghĩa vụ nào theo các quy ước quốc tế" về giải cứu người gặp nạn trên biển.

Trước đó chỉ mấy ngày, Italy và Malta cũng tranh cãi khi cả hai đều từ chối tiếp nhận tàu Open Arms chở 60 người di cư được giải cứu ngoài khơi Libya. Trước đó nữa, ngày 9/6, tàu Aquarius của tổ chức phi lợi nhuận Pháp SOS Mediterranee rơi vào cảnh tương tự khi giải cứu được 630 người di cư trái phép tại vùng biển Trung Địa Trung Hải, cũng bị cả Malta lẫn Italy từ chối cho cấp cảng.

Động thái này đã thổi bùng tranh cãi giữa các thành viên EU về việc quốc gia nào phải chịu trách nhiệm đối với những người di cư được giải cứu tại Địa Trung Hải. Cả hai tàu Open Arms và Aquarius sau đó đã được Tây Ban Nha cho phép cập cảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.