Jack Ma: Mỹ tổn thất hơn Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại

Ông Jack Ma cho rằng các nỗ lực của Mỹ nhằm phát động chiến tranh lạnh nhằm vào Bắc Kinh với mục đích ngăn cản đà trỗi dậy của nền kinh tế lớn nhất châu Á này là hành động “khờ dại."
Tỷ phú Jack Ma. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo South China Morning Post, ngày 10/10, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma cho rằng, các nỗ lực của Mỹ nhằm phát động chiến tranh lạnh nhằm vào Bắc Kinh với mục đích ngăn cản đà trỗi dậy của nền kinh tế lớn nhất châu Á này là hành động “khờ dại."

Phát biểu qua video trước Hội nghị về Trung Quốc của tờ SCMP ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), nhà đồng sáng lập Alibaba cho biết ông tin rằng Mỹ sẽ “tổn thất nhiều hơn” từ bất đồng hiện nay, song nhấn mạnh ông vẫn lạc quan bởi "là các nhà doanh nghiệp, nếu bạn không lạc quan bạn không nên làm nhà doanh nghiệp."

Jack Ma nhận định ông không thấy sự hợp lý nào đằng sao đòn tấn công bằng thuế mà Mỹ triển khai nhằm đảo ngược thâm hụt thương mại lớn giữa nước này với Trung Quốc.

[Mỹ dọa tiếp tục áp thuế với lượng hàng hóa 267 tỷ USD của Trung Quốc]

Theo ông Jack Ma, trên thực tế nền kinh tế Mỹ hưởng lợi từ mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, như việc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cường quốc phương Tây này đã tăng trưởng ổn định một phần nhờ thuê gia công tại Trung Quốc.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Joe Tsai lại có những phát biểu cứng rắn hơn nhằm vào Washington, khi cho rằng cuộc chiến thương mại đã biến thành “chiến tranh lạnh hoặc một cuộc chiến địa chính trị do Mỹ khơi mào."

Ông Tsai nêu rõ: “Tôi nghĩ những gì Mỹ đang làm là sự phản ứng lại một nỗi lo sợ vô căn cứ, rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng cách nào đó đe dọa an ninh quốc gia và sự thịnh vượng của người dân Mỹ."

Theo ông, niềm tin này là sai lầm bởi sự hội nhập to lớn của các nền kinh tế quốc gia. Ông Tsai nhận định: “Mỹ thực sự khờ dại khi phát động một cuộc chiến như vậy nhằm vào Trung Quốc và nghĩ rằng họ có thể đối xử với Trung Quốc giống như cách họ đối xử với Nga, bằng cách cô lập nền kinh tế và gây đau đớn. Chúng ta đã hội nhập ở mức độ cao đến mức cơn đau này sẽ được cảm nhận trên toàn thế giới. Mọi người đều sẽ cảm nhận nỗi đau này”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục