Karl-Heinz Rummenigge, một huyền thoại của bóng đá Đức hiện là Tổng giám đốc của Bayern-Câu lạc bộ số một nước này trong bài trả lời phỏng vấn báo "Bild ngày Chủ nhật" bày tỏ những nỗi lo của ông về những thử thách mà đại dịch COVID-19 đang gây đến cho bóng đá. .
Bài phỏng vấn do hai phóng viên Jörg Althoff và Berries Boßmann thực hiện và được đăng tải trên "Bild am Sonntag" số ra ngày 11/10/2020 này cũng đã đề cập đến những dư luận xấu trong xã hội Đức liên quan đến cách điều hành được cho là 'tồi tệ' của Liên đoàn bóng đá Đức -DFB cũng như sự thất vọng của người hâm mộ với đội tuyển sau những màn trình diễn 'đáng xấu hổ.'
Khán giả đang dần quen với cảm giác 'cai nghiện bóng đá'
Ông Rummenigge, FC Bayern bị ảnh hưởng như thế nào nếu như vẫn phải tiếp tục thi đấu không có khán giả ít nhất đến ngày 25.10?
Karl-Heinz Rummenigge: Chúng tôi thi đấu trận cuối cùng trên sân nhà có khán giả đã cách đây gần 7 tháng, đó là ở trận đấu mà Bayern thắng FC Augsburg 2-0.
[Hansi Flick: Tôi còn hợp đồng đến 2023 và đó là một tuyên bố rõ ràng]
Đó là cả một quãng thời gian rất dài. Tôi vô cùng lo lắng về văn hóa bóng đá Đức. Nếu như chúng ta không sớm có khán giả trở lại sân, tôi sợ rằng, bóng đá sẽ chịu thiệt hại rất lớn...
Thiệt hại đó cụ thể là...
Karl-Heinz Rummenigge: Các CLB sẽ phải chịu thiệt hại nhiều gấp đôi. Một là văn hóa bóng đá, đang đe dọa sẽ bị đánh mất. Thứ đến mới là khía cạnh tài chính.
Chúng tôi mở cửa sân Allianz từ 15 năm nay,và 15 năm qua, trận nào sân vận động cũng đầy ắp khán giả.
Ban đầu là 70.000 cổ động viên, sau đó nâng lên 75.000 trong mấy năm gần đây.
Nhưng đã từ 7 tháng nay chúng tôi ngồi đó với 10 người ở mỗi trận sân nhà và thêm 5 người của đội khách. Không có chút gì gọi là không khí, cảm xúc bóng đá.
Tôi ngưỡng mộ tất cả các cầu thủ - không riêng gì của chúng tôi - họ đã khắc phục điều đó bằng những biểu hiện rất tuyệt vời!
Nhưng tôi không biết, bóng đá còn chịu được bao lâu nữa. Tất cả thật vô cùng bi đát.
Ông có thể đưa ra con số được không? Chủ tịch Herbert Hainer của Bayern có nói về sự thiệt hại khoảng 4 triệu euro cho mỗi trận sân nhà và sẽ thất thu 100 triệu euro mùa này?
Karl-Heinz Rummenigge: Mỗi trận Champions-League thì còn nhiều hơn thế. Nhưng nói về tổng số tiền thì chúng tôi mất hơn 100 triệu euro mùa này.
Ở châu Âu các câu lạc bộ mất từ 50 triệu euro, thậm chí câu lạc bộ hàng đầu, thiệt hại có thể lên tới con số 200 triệu euro, khi phải thi đấu không có khán giả như hiện nay. Như vậy, một câu lạc bộ có thể gồng mình chịu đựng được bao lâu? Và ngay cả những câu lạc bộ lớn, tôi chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Nhưng đối với tôi, thiệt hại tài chính chỉ xếp thứ 2.
Và thứ nhất là...
Karl-Heinz Rummenigge: Đó là văn hóa bóng đá, đang bị cuốn trôi theo dòng nước, khán giả đang dần quen với cảm giác cai nghiện bóng đá. Đó chính là điều làm tôi lo ngại nhất.
Ý ông là, kể cả bóng đá "hậu COVID-19" - đến bao giờ chưa biết - sân vận động sẽ không còn có thể đầy ắp như xưa?
Karl-Heinz Rummenigge: Theo diễn biến hiện nay, tôi không loại trừ khả năng mọi việc tiếp theo sẽ là như vậy.
Vậy Bayern đã lên kế hoạch gì để đối phó?
Karl-Heinz Rummenigge: Chúng tôi đã xây dựng một kế hoạch để đưa khán giả trở lại sân, chúng tôi cũng đã đệ trình lên thành phố München.
Nhưng chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào những quyết định của những người làm chính sách cũng như trên toàn nước Đức. Và những quyết định được họ đưa ra như trong thời gian qua khiến chúng tôi choáng váng.
München đúng là phức tạp và quá khó hiểu. Người ta buổi tối còn ra quyết định, cho khán giả vào sân. Sáng hôm sau: cấm tất.
Cũng vì những con số mà Viện vệ sinh dịch tễ trung ương Đức (RKI) đưa ra về số người mắc bệnh ở München, nhưng họ đâu có đưa ra những con số ở vùng lân cận. Unterhaching - nơi có sân vận động, khán giả phải được phép đến sân chứ?
Karl-Heinz Rummenigge: Theo như kế hoạch của DFL đưa ra, chúng tôi cần cả hai cho một quyết định chung: Thứ nhất: Con số người mắc bệnh được tính đến ngày nào, tính cuối tuần khi trận đấu diễn ra hay từ thứ Hai khi họ có chỉ số mới.
['Ngũ hổ tướng'' đã cùng Bayern lặp lại kỳ tích ăn ba đầy vinh quang]
Thứ hai, chúng tôi cần một chỉ đạo thống nhất trên toàn Liên bang, với những chỉ số đó họ sẽ cấm cụ thể ở những địa phương nào. Mặc khác, có ít nhất 20% khán giả trực tiếp đến từ München vậy sẽ xử lý ra sao?
Ông Markus Söder, thủ hiến Bayern, người nhiệt tình ủng hộ Bundesliga trở lại không có khán giả giờ đây chính là người ngáng chân ông?
Karl-Heinz Rummenigge: Tôi khẳng định rằng, chúng tôi đã hợp tác rất tốt. Kế hoạch của DFL cũng rất tuyệt vời. Tôi không trách ai cả, nhưng tôi có cảm giác rằng, sợi dây liên lạc giữa bóng đá và chính khách đã đứt.
Khi đưa bóng đá trở lại, người ta nói, bóng đá đóng một vai trò quan trọng trong đời sống. Còn đến bây giờ, nên vứt cái chuyện cổ tích đó đi.
DFL cần có chính sách tài chính phù hợp
Điều gì sẽ xẩy ra nếu như "Lockdown" giãn cánh xã hội một lần nữa và giải đấu sẽ phải ngừng lại?
Karl-Heinz Rummenigge: Sẽ có rất nhiều CLB Bundesliga không sống sót. Rất nhiều! Tôi không thể hình dung ra được, Bundesliga như hiện tại có còn hiện diện trong tương lai hay không. Ngay cả trong hoàn cảnh như hiện nay tôi đã nghe thông tin rằng, có rất nhiều câu lạc bộ đang bị đe dọa phá sản.
Đã có một vài câu lạc bộ xin vay tiền chính phủ, họ muốn xin trợ cấp của nhà nước.
Karl-Heinz Rummenigge: Đối với một vài câu lạc bộ, họ không có lựa chọn khác. Mỗi câu lạc bộ phải đảm bảo về độ tin cậy tài chính của mình. Tôi không muốn tham gia vào chuyện của những đồng nghiệp khác. Tôi chỉ biết, tương lai bóng đá hiện nay đang đứng trên những đôi chân nặng trĩu như đeo đá.
Và lại ngay đúng lúc này người ta tranh cãi về chuyện chia tiền truyền hình. Tiền thu được từ bán bản quyền Bundesliga ra nước ngoài được chia không có lợi cho những đội bóng đi thi đấu Champions-League.
Họ đưa ra một cách chia như thế này, trừ tiền tăng dần sau mỗi vòng đấu quốc tế: 10 triệu euro cho vòng 1/16, 20 triệu euro ở tứ kết và bán kết là 30 triệu euro. Ông có biết đến dự định đó của họ không?
Karl-Heinz Rummenigge: Không, tôi không biết. Tôi cũng chả quan tâm đến chuyện đó. Tôi nghĩ, về căn bản giải đấu có thể thống nhất và đoàn kết - và FC Bayern cũng may mắn nằm trong số được chia không tệ ở giải đấu này, vì nếu không như vậy chúng tôi sẽ mất khả năng cạnh tranh trên đấu trường quốc tế.
Thành công của chúng tôi ở Champions League và sự hiện diện của RB Leipzig gặp Paris St-Germain ở bán kết quý hơn vàng đối với Bundesliga. Cả thế giới theo dõi chúng ta, dành cho cả nền bóng đá Đức một sự ngưỡng mộ và kính nể. Chỉ khi có những thành công như vậy giải đấu của chúng ta mới có đủ sức cạnh tranh quốc tế.
[Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại bao nhiêu cho bóng đá châu Âu?]
Nếu như những câu lạc bộ thi đấu quốc tế mà phải chịu thiệt thòi, sức cạnh tranh của họ sẽ bị đe dọa. Những tranh cãi được đưa ra gần đây tôi đã nghe ít nhất 20 lần rồi. Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng đi tới một kết quả thống nhất.
Những ý kiến mà ông Röttgermann (CEO của Fortuna Düsseldorf) và ông Lehmann (Giám đốc tài chính Mainz 05) đưa ra - nói xin lỗi: Tôi đưa vào chuyên mục nhảm nhí.
Hai người họ muốn có thêm tiền cho những CLB nhỏ. DFL-Boss Christian Seifert gần đây cũng than phiền, rằng UEFA trả thưởng Champions-League quá cao dẫn đến việc, chênh lệnh cạnh tranh giữa các CLB ở giải đấu quốc nội ngày một khác biệt.
Karl-Heinz Rummenigge: Như tôi đã nói, đó cũng chính là có lợi cho Bundesliga, rằng họ có 4 CLB mạnh nhất như có thể để tham gia Champions-League. Họ đưa ra ý kiến này để dẫn dụ người ta tới một cuộc tranh luận, rằng nó có hại cho Bundesliga và mọi người sẽ cảm thấy như vậy là không công bằng.
Một vài câu lạc bộ đòi chia thêm tiền từ những giải đấu quốc tế mà FC Bayern, Borussia Dortmund hay RB Leipzig và Borussia Mönchengladbach tham gia và kiếm được- tôi làm sao có thể chấp nhận chuyện đó.
Đến bao giờ thì sẽ có một cơ quan duy nhất quản lý tài chính?
Karl-Heinz Rummenigge: Tôi cho đó là mô hình công bằng nhất, trên toàn châu Âu. Chúng tôi không phản đối mô hình đó. Tôi chỉ hy vọng và mong rằng, DFL có thể thương thảo và đi tới những quyết định thống nhất, đưa ra một mô hình phù hợp và công bằng.
Liệu các cầu thủ có bị trừ lương nữa không nếu khủng khoảng "COVID-19" còn kéo dài?
Karl-Heinz Rummenigge: Tôi không hy vọng vậy. Chúng tôi hiện đã trả lương bình thường trở lại, nhưng năm nay chúng tôi rất vất vả. Tôi không loại trừ khả năng, đây là lần đầu tiên trong 19 năm làm giám đốc của mình, Bayern thua lỗ. Chúng tôi đã may mắn khi những khoản tiền kiếm được trong quá khứ mang gửi hết ngân hàng, nó hiện giúp chúng tôi rất nhiều.
Từ sau 2014, DFB đã thay đổi bản chất
Bây giờ nói chuyện về DFB. Tuần này họ bị cảnh sát điều tra tới khám xét truy thuế - nó liên quan tới việc, liệu có phải DFB ghi số tiền 4,7 triệu euro thu về từ quảng cáo đã được chia ra để ghi vào các danh mục khác nhằm trốn thuế hay không
Karl-Heinz Rummenigge: Nếu như nhìn lại, từ năm 2014, sau khi vô địch thế giới, ở một vài điểm nào đó, DFB đã thay đổi bản chất.
Ý ông muốn nói gì?
Karl-Heinz Rummenigge: Người ta lợi dụng triệt để thành công để kiếm thật nhiều tiền.
Những bản hợp đồng lớn với các đối tác tài trợ và còn nhiều hơn nữa. Tôi biết do các cầu thủ của tôi kể lại, rằng mỗi khi DFB hội quân, các cầu thủ phải tham gia thêm rất nhiều vào các lịch hẹn làm quảng cáo.
Nếu ai đã làm bóng đá, ở CLB hay Liên đoàn cũng thế thôi, bóng đá phải được đặt lên hàng đầu và luôn ở vị trí trung tâm. Mấy ngày qua Lothar Matthäus đã rõ ràng những quan điểm của mình trên truyền hình. Tôi thấy, trong nhiều điểm, cậu ấy có lý.
Ví dụ?
Karl-Heinz Rummenigge: Những rắc rối với vé mời (Các cựu cầu thủ ĐTQG không còn được nhận vé mời-ND).
CLB nào chả có, chúng tôi cũng vậy. Nhưng gần đây chúng tôi đã bỏ. Nếu người ta muốn, người ta có thể bỏ và làm cách khác.
Nhưng DFB đã không làm như vậy. Lothar Matthäus và Andy Brehme tuần này tổ chức gặp mặt kỷ niệm 30 năm chiến thắng của họ ở Toskana (vô địch thế giới năm 1990-ND). Họ phải tự lo liệu và tổ chức. DFB chắc chắn chưa quên họ, nhưng lại lấy lý do đại dịch - chuyện đó là không được.
Và còn Franz Beckenbauer! Cách đây mấy tuần ông ấy sinh nhật 75 tuổi. Chúng tôi có tổ chức một tiệc nhỏ ở sân Allianz trong khuôn khổ cho phép. DFB không một ai đến đây và chúng tôi hoàn toàn không nghe thấy gì từ phía họ.
Hôm ông sinh nhật 65 tuổi, DFB có chúc mừng không?
Karl-Heinz Rummenigge: Có, tôi có nhận được một cái thư. Nhưng tôi không muốn bàn đến chuyện này.
Chuyện quan trọng là: DFB đang đứng phía bên kia của bóng đá.
Cũng tội nghiệp Jogi Löw, người mà đang phải chịu bao búa rùi dư luận từ mọi phía, phải đi đá trận giao hữu với Thổ Nhĩ Kỳ để mang tiền về, nghe đâu tài khóa năm nay họ còn thiếu 15 ttriệu euro. Con số này, có lẽ chỉ là con số lẻ so với số tiền các CLB Bundesliga đã mất?
Ở DFB, tiền, đi vơ vét tiếp thị và làm chính sách là những thứ đang được đặt lên hàng đầu chứ không phải là bóng đá.
Một phần của UEFA hay FIFA cũng thế. Người ta tổ chức Nations League không phải vì nó là một giải đấu tuyệt vời. Mà người ta phát hiện ra rằng, những trận đấu giao hữa sẽ chẳng ai quan tâm, thu được ít tiền từ truyền hình và các đối tác làm quảng cáo.
Sau vụ điều tra thuế này, bộ mặt của DFB sẽ bị tàn phá rất khốc liệt.
Karl-Heinz Rummenigge: DFB phải đưa ngay con tầu của mình về với một vùng trời bình yên. Đây là nhiệm vụ đầu tiên của chủ tịch Fritz Keller.
ĐTQG, đứa con yêu của Đức đang dần đánh mất vị trí của mình kể từ thảm họa 2018?
Karl-Heinz Rummenigge: : Không, tôi đã thi đấu 95 trận ở màu áo đội tuyển quốc gia và biết rằng, họ có vị trí quan trọng như thế nào. Kể cả khi FC Bayern mùa bóng vừa qua có được trang điểm đẹp đẽ đến đâu tôi vẫn nói rằng: ĐTQG hiện nay có thể không phải là đội bóng hay nhất, nhưng vẫn là đội bóng quan trọng nhất Đức./.