Công ty an ninh mạng Kaspersky Lab có trụ sở tại Nga ngày 3/4 đã công bố tài liệu củng cố cho những nghi ngờ rằng Triều Tiên có liên quan đến vụ trộm 81 triệu USD trong tài khoản của Ngân hàng trung ương Bangladesh cất trong chi nhánh Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tại New York, Mỹ.
Vụ việc xảy ra năm 2016, song đến nay, Chính phủ Triều Tiên vẫn bác bỏ cáo buộc đã "nhúng tay" vào vụ trộm tiền qua mạng này.
Trong báo cáo dài 58 trang, Kaspersky Lab khẳng định nhóm tin tặc Lazarus, được xác định có liên quan đến vụ trộm tiền qua mạng nêu trên, đã thiết lập một kết nối trực tiếp từ một địa chỉ IP ở Triều Tiên tới một máy chủ ở châu Âu vốn được sử dụng để kiểm soát hệ thống mạng mà sau đó Lazarus xâm nhập vào hệ thống mạng này để thực hiện mục đích của mình.
Nhà nghiên cứu của Kaspersky Lab, Vitaly Kamluk nhấn mạnh, "đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện mối liên hệ trực tiếp" giữa Triều Tiên và Lazarus - nhóm tin tặc xuất hiện vào năm 2009 và từng thực hiện vụ tấn công hồi năm 2014 nhằm vào phim trường Hollywood của Sony.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này khẳng định ông không thể kết luận Triều Tiên đứng sau vụ tấn công mạng nêu trên bởi có khả năng tin tặc cố tình tạo vỏ bọc có nguồn gốc từ Triều Tiên hoặc những công dân Triều Tiên hợp tác cùng thực hiện vụ tấn công.
Hồi tháng trước, một số quan chức Mỹ nghi ngờ Bình Nhưỡng có liên quan đến vụ trộm tiền nêu trên. Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thậm chí còn tin rằng Triều Tiên là chủ mưu vụ việc này.
Báo cáo của Kaspersky Lab khẳng định vụ trộm 81 triệu USD trong tài khoản của Ngân hàng trung ương Bangladesh tại Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ chỉ là một trong số vụ tấn công mạng mang động cơ trộm tiền do Bluenoroff - một nhánh của Lazarus, thực hiện.
Báo cáo cho biết các ngân hàng, công ty tài chính-thương mại, sòng bạc và kinh doanh tiền tệ qua mạng tại ít nhất 18 quốc gia là mục tiêu tấn công của nhóm này./.