Kế hoạch kéo dài kỳ nghỉ Quốc hội Anh vấp phải nhiều thách thức

Sự phản đối chính trị đối với động thái của Thủ tướng Anh Boris Johnson, kéo dài kỳ nghỉ của cơ quan lập pháp, đã gia tăng nhanh chóng với các hành động pháp lý.
Kế hoạch kéo dài kỳ nghỉ Quốc hội Anh vấp phải nhiều thách thức ảnh 1Cờ Anh (phía dưới) tại thủ đô London, Anh, ngày 28/3/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Sự phản đối chính trị đối với động thái của Thủ tướng Anh Boris Johnson, kéo dài kỳ nghỉ của cơ quan lập pháp, đã gia tăng với các hành động pháp lý và một kiến nghị đã có hơn 1,3 triệu chữ ký nhằm ngăn chặn ý định này.

Người phát ngôn Cơ quan Tòa án Scotland (Vương quốc Anh), cho biết một phiên tòa sẽ diễn ra tại Scotland trong ngày 29/8 nhằm ngăn chặn ý định trên. Dự kiến, phiên tòa khẩn cấp sẽ diễn ra tại tòa dân sự cấp cao nhất ở vùng lãnh thổ này.

Nữ doanh nhân Gina Miller, người đứng đầu chiến dịch chống Brexit, cho biết đã đề nghị tòa khẩn cấp xem xét về "tác động và ý định" của kế hoạch kéo dài kỳ nghỉ của Quốc hội Anh. Bà cho rằng kế hoạch này "là bất hợp pháp."

Trước đó sáng cùng ngày, Thủ tướng Johnson đã thông báo ý định kéo dài kỳ nghỉ của Quốc hội nước này tới ngày 14/10. Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị đã ký phê chuẩn đề nghị này. Ông Johnson giải thích là chính phủ mới cần xây dựng một chương trình lập pháp mới, đồng thời khẳng định sẽ có đủ thời gian cho tất cả các nghị sĩ thảo luận về Brexit và các vấn đề khác.

Tuy nhiên, động thái trên đã vấp phải những ý kiến cho rằng mục đích chính của Thủ tướng Johnson là ngăn Quốc hội cản trở Brexit. Hàng nghìn người tập trung tại các quảng trường ở London, Manchester, Edinburgh và nhiều thành phố khác trên cả nước Anh để phản đối kế hoạch trên.

Đa số cử tri vùng Scotland đã bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon chỉ trích kế hoạch của ông Johnson "vi phạm những nguyên tắc dân chủ cơ bản."

Ngay cả lãnh đạo phe Bảo thủ tại xứ này Ruth Davidson cũng đã tuyên bố từ chức nhằm phản đối ý định của tân Thủ tướng. Bà khẳng định: "Các cuộc thảo luận của chúng ta đang thiếu sự tôn trọng, và không tôn trọng nhau thì không thể hiểu nhau và không thể đoàn kết - điều mà Scotland và Anh cần làm."

[Anh: Thỏa thuận về Brexit hoàn toàn phụ thuộc vào EU]

Bà Davidson kêu gọi ông Johnson hãy cố gắng ký một thỏa thuận với EU.

Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng đối lập chính Jeremy Corbyn đã viết một thư đề nghị được tiếp kiến Nữ hoàng Elizabeth II để bày tỏ sự phản đối của mình. Lãnh đạo đảng Tự do Jo Swinson cũng làm tương tự.

Cùng ngày, các bộ trưởng EU kêu gọi Anh nên chọn sự ra đi trong trật tự, một số người công khai bày tỏ lo ngại về ý định của Thủ tướng Johnson trì hoãn họp Quốc hội sẽ làm gia tăng nguy cơ "ly hôn" trong hỗn loạn.

Tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao EU ở Helsinki, Ngoại trưởng Hà Lan Stephan Blok bày tỏ: "Chúng tôi vẫn hy vọng có thể tránh được kịch bản Brexit không thỏa thuận và đang chờ bất cứ đề xuất nào của Chính phủ Anh phù hợp với Thỏa thuận Ra đi."

Ngoại trưởng Blok khẳng định: "Brexit không thỏa thuận chẳng có lợi cho ai." "Thỏa thuận Ra đi" là thỏa thuận Brexit mà cựu Thủ tướng Theresa May đã nhất trí với EU cuối năm ngoái, song bị Quốc hội Anh bác bỏ 3 lần, khiến Brexit phải ra hạn 2 lần và dẫn tới việc bà May phải rời nhiệm sở. Ông Johnson đã cam kết đàm phán lại văn kiện này hoặc rời EU mà không cần thỏa thuận vào đúng hạn chót ngày 31/10 tới.

Trong một diễn biến liên quan, nhà đàm phán Brexit của Thủ tướng Johnson, ông David Frost đang có mặt ở Brussels (Bỉ) để thảo luận với giới chức Ủy ban châu Âu (EC). Tuy nhiên, báo Guardian của Anh dẫn lời một nhà ngoại giao EU cho biết ông Frost đã không đưa ra bất kỳ ý tưởng mới nào về điều khoản chốt chặn liên quan tới biên giới Ireland tại các cuộc họp ở Brussels. Ông Frost cũng loại trừ bất kỳ sự gia hạn kỹ thuật nào đối với Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.