Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua một luật mật mã mới (cryptography), báo hiệu khả năng nước này sẽ "bật đèn xanh" cho việc hợp thức hóa loại hình giao dịch tiền kỹ thuật số trong tương lai.
Theo hãng truyền thông ABC của Australia, tính đến thời điểm hiện tại, các loại tiền kỹ thuật số như đồng Bitcoin vẫn bị cấm tại Trung Quốc.
Việc trao đổi, giao dịch tiền kỹ thuật số tại đất nước này là bất hợp pháp. Tuy nhiên, những động thái mới nhất lại cho thấy Bắc Kinh đang có bước đi nghiêm túc để thiết lập khuôn khổ của lĩnh vực tài chính kỹ thuật số, đồng thời mở cửa cho các nghiên cứu và đổi mới công nghệ chuỗi khối blockchain (cơ sở dữ liệu của đồng tiền điện tử kỹ thuật số).
Trước đó, nhiều thông tin tiết lộ rằng một trong những cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới đang đặt nền móng cho đồng tiền kỹ thuật số được quốc hữu hóa trên quy mô lớn đầu tiên của thế giới.
Trong khi các chi tiết xung quanh những kế hoạch của Trung Quốc vẫn chưa sáng tỏ, thì việc thông qua luật mới với nội dung và cách thức thực thi luật cho thấy nước này rất có thể đã tìm được hướng đi phù hợp.
Nội dung chính của luật mật mã mới
Mật mã học thực chất là phương pháp bảo vệ thông tin, ví dụ như mật khẩu, thông qua việc sử dụng những mã hóa và tạo thành xương sống cho công nghệ blockchain.
ABC trích thông tin từ hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã cho biết luật mới, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, nhằm "tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành kinh doanh mật mã và đảm bảo an ninh không gian mạng và thông tin."
Luật này cũng hướng đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong không gian mã hóa và hỗ trợ các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Báo cáo của giới truyền thông Trung Quốc cho biết: "Luật nhấn mạnh đến việc đào tạo tài năng về mật mã học và gợi mở thông tin những người có đóng góp xuất sắc trong công việc liên quan tới mật mã học sẽ nhận được phần thưởng."
Luật mới nhằm phân loại mật mã thành các phần cốt lõi, phổ biến và thương mại. Trong đó, phần cốt lõi và phổ biến sẽ bao gồm mật mã được sử dụng để bảo vệ nguồn thông tin của chính phủ và phần mật mã thương mại bao gồm các lĩnh vực còn lại.
[Trung Quốc: Lựa chọn nào cho đầu tư trong giai đoạn kinh tế bão hòa?]
Dưới quy định của luật mới, mật mã cốt lõi và phổ biến về cơ bản được coi là "bí mật nhà nước," nhưng mật mã thương mại sẽ được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.
Quan trọng hơn, việc triển khai luật giúp tạo ra một môi trường pháp lý tại Trung Quốc, phù hợp cho việc thiết lập một đồng tiền kỹ thuật số được sự hậu thuẫn của chính phủ.
Sẽ có một đồng tiền kỹ thuật số quốc gia hóa tại Trung Quốc?
Một loại tiền kỹ thuật số mới, với tên gọi là DCEP (Thanh toán tiền điện tử kỹ thuật số), dự kiến sẽ được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC; Ngân hàng Trung ương) triển khai.
Năm 2014, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thành lập một nhóm nghiên cứu để tìm hiểu việc ra mắt đồng tiền kỹ thuật số của riêng cơ quan này, nhằm cắt giảm chi phí lưu thông tiền giấy truyền thống và tăng cường kiểm soát nguồn cung tiền.
Yunlin Sun, nhà nghiên cứu kinh tế kỹ thuật số, nói: "Từ lâu, Trung Quốc đã bắt đầu phát triển một loại tiền điện tử mới. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có hơn 84 bằng sáng chế, liên quan đến việc phát hành đồng tiền điện tử, phân phối, quản trị và lưu thông."
Mặc dù vẫn chưa có lịch trình ra mắt cụ thể của đồng tiền này, nhưng chi tiết dự kiến sẽ được sớm công bố. Theo ông Sun, kế hoạch công bố có thể được thực hiện theo các giai đoạn khác nhau.
Tháng Tám vừa qua, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tuyên bố thành phố Thâm Quyến - nơi giáp ranh với Hong Kong (Trung Quốc) và là một trung tâm công nghệ lớn - sẽ đóng vai trò là khu vực thí điệm để thử nghiệm một đồng tiền mới, song chưa rõ khi nào điều đó sẽ xảy ra.
Nếu tiến trình thử nghiệm thành công, dự kiến Bắc Kinh sẽ triển khai DCEP cho các ngân hàng thương mại và nền tảng thanh toán di động, những đơn vị sẽ là đầu mối phát hành và phân phối đồng tiền kỹ thuật số ra công chúng.
Bắc Kinh có thể thành công hay không?
Trong khi nhiều quốc gia khác đang tích lũy kinh nghiệm làm việc với các loại tiền kỹ thuật số quốc gia, ví dụ Thụy Điển đang thực hiện e-Krona và Cơ quan Tiền tệ của Singapore hay Ngân hàng Canada cũng đã có các hoạt động về đồng tiền kỹ thuật số, Trung Quốc chắc chắn sẽ có quy mô lớn nhất trên thế giới.
Chưa rõ liệu Bắc Kinh có thành công với kế hoạch đầy tham vọng của mình hay không, nhưng những luật mới chính là biện pháp chính thức lớn nhất mà nước này thực hiện, để hỗ trợ cho một đồng tiền kỹ thuật số của riêng Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu nhìn nhận chưa thể biết chắc chắn phản ứng của người dân đối với việc có hay không sử dụng đồng tiền mới này.
Các chuyên gia cho rằng việc tập trung hóa một loại tiền tệ kỹ thuật số được nhà nước hậu thuẫn sẽ cho phép kiểm soát thuế và lưu thông tiền tệ tốt hơn.
Jason Potts, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Blockchain thuộc Đại học RMIT, nói: "Tiền kỹ thuật số thông minh là một đồng tiền thương mại lý tưởng," khi nó có thể trở thành đồng tiền tệ được hợp pháp hóa trong thương mại với Trung Quốc…
Một DCEP hiệu quả có thể giúp mở rộng sáng kiến "Vành đai và Con đường", thậm chí đến Australia. Đây là điều lý giải cho những gì đằng sau việc tạo ra khu vực tiền tệ duy nhất như của Liên minh châu Âu (EU)."
Tuy nhiên, ông Sun bác bỏ những suy đoán liên quan đến việc phát hành một đồng tiền kỹ thuật số mới có thể giúp thúc đẩy việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Ông khẳng định động thái của Bắc Kinh tập trung chính vào nền kinh tế nội địa của Trung Quốc.
Chuyên gia về kinh tế kỹ thuật số này cho rằng việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số quốc gia không thể tạo ra một tác động đáng kể trên phạm vi quốc tế.
Ông Sun nói: "Một đồng tiền kỹ thuật số hợp pháp của Trung Quốc không thể thúc đẩy quá trình quốc tế hóa nhân dân tệ… Đây đơn thuần chỉ là một lựa chọn để thay thế tiền mặt trong các giao dịch"./.