Kênh đầu tư nào sẽ hút dòng tiền khi lãi suất ngân hàng ở mức thấp?

Nhiều nhà đầu tư thấy rằng kênh tiết kiệm không đem lại lợi suất mong muốn và sẽ dịch chuyển dòng tiền sang các kênh đầu tư khác như bất động sản hay trái phiếu doanh nghiệp.
Kênh đầu tư nào sẽ hút dòng tiền khi lãi suất ngân hàng ở mức thấp? ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… hay kênh đầu tư nào sẽ hút dòng tiền khi lãi suất ngân hàng đang ở mức rất thấp?

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động trung bình 6 tháng và 12 tháng của toàn ngành ngân hàng đang ở mức 4,85%/năm và 5,69%/năm, cùng giảm xấp xỉ 1,5% so với cùng kỳ 2020 và gần như đi ngang so với tháng trước đó.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng lãi suất thấp sẽ khiến một lượng tiền từ kênh tiết kiệm đổ vào các kênh đầu tư khác nhau.

Nhiều nhà đầu tư thấy rằng kênh tiết kiệm không đem lại lợi suất mong muốn và sẽ dịch chuyển dòng tiền sang các kênh đầu tư khác.

[Mặt bằng lãi suất thấp, dòng tiền chảy về đâu?]

Ông Trương Văn Phước, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng việc dự báo đầu tư vào đâu để có lợi trong cả năm 2021 là chuyện vô cùng khó. Chỉ có thể đánh giá rằng tình hình thế giới biến động rất lớn, rất nhanh, nhà đầu tư cần linh hoạt và phù hợp với diễn biến thị trường.

Trái phiếu doanh nghiệp hiện đang là một kênh đầu tư rất được nhà đầu tư quan tâm bởi tuy lãi suất huy động trên thị trường ở mức thấp nhưng sản phẩm trái phiếu lại được các doanh nghiệp phát hành trả lãi suất rất cao, từ 10,5-12%/năm.

Theo thông báo của một số công ty chứng khoán như Công ty Chứng khoán BVSC, trong kỳ tính lãi đầu năm 2021, trái phiếu doanh nghiệp của Công ty cổ phần Thủy điện Nậm Pung được tính lãi suất 12%/năm; Công ty Sản xuất thép Úc SSE trong kỳ tính lãi đầu năm 2021 cũng được tính lãi suất lên tới 11,5%/năm. Hay Công ty Chứng khoán Vndirect cũng vừa chốt danh sách để thanh toán lãi trái phiếu do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển bất động sản Thế kỷ và Công ty cổ phần Năng lượng Bắc Hà với cùng mức lãi suất là 10,5%/năm.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy trong năm 2020, khối lượng phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước tăng 29% so với năm 2019 và đạt khoảng 430.000 tỷ đồng. Trong số đó, các tổ chức tín dụng và công ty bất động sản vẫn là 2 loại hình có giá trị phát hành trái phiếu lớn nhất trên thị trường.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có những khuyến cáo gửi các nhà đầu tư liên quan đến rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cho rằng nhà đầu tư cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp khi đầu tư loại trái phiếu này.

Bộ Tài chính cũng lưu ý không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.

Theo Phó Vụ trưởng Tài chính ngân hàng và Các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương, thì rủi ro chính là các doanh nghiệp phát hành sẽ không trả được vốn gốc và lãi trái phiếu khi doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh.

Do đó, khi nhà đầu tư quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cần thận trọng, không chỉ quan tâm đến vấn đề lãi suất mà phải phân tích được tình hình tài chính, rủi ro về đầu tư.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản cảnh báo các ngân hàng thương mại rà soát, tăng cường kiểm tra đối với hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Trước xu hướng này, nhà đầu tư sẽ có sự chuyển dịch dòng tiền để đầu tư vào các lĩnh vực hấp dẫn hơn như vàng, bất động sản…

Những tháng đầu năm nay, giá vàng trong nước và thế giới luôn có khoảng cách chênh lệch lớn, có thời điểm khoảng cách được nới rộng lên đến 8 triệu đồng/lượng.

Theo chuyên gia tài chính, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, việc giá vàng trong nước chênh lệch với giá thế giới đến 8 triệu đồng/lượng là điều không bình thường, nếu nhu cầu vàng trong nước vẫn còn cao cùng với việc các nhà kinh doanh vàng đẩy giá lên, đồng thời cũng không tránh khỏi có hiện tượng đầu cơ vàng sẽ tạo ra sự bất cân đối giữa thị trường vàng trong nước và thế giới.

Hiện tượng chênh lệch giá vàng như hiện nay sẽ tạo ra rủi ro lớn cho các nhà đầu tư và người dân. Đặc biệt khi các nước trên thế giới và Việt Nam đã bắt đầu triển khai tiêm vắcxin phòng dịch COVID-19 thì tình hình dịch sẽ được kiểm soát, vàng sẽ không còn là kênh trú ẩn an toàn của nhà đầu tư.

Một kênh đầu tư nữa cũng đang khiến dòng tiền đổ vào ngày một tăng là bất động sản. Hiện có nhiều ngân hàng đang triển khai các gói cho vay tiêu dùng; trong đó có vay mua bất động sản với lãi suất khá hấp dẫn, dao động từ khoảng từ 4,99-10%/năm.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tung ra gói vay vốn trung dài hạn mới với quy mô 50.000 tỷ đồng dành cho khách hàng mua nhà, mua xe, tiêu dùng cá nhân với lãi suất 7%/năm trong 6 tháng đầu tiên, trường hợp cố định lãi suất 12 tháng hoặc 18 tháng lãi suất từ 7,5-7,9%/năm; nếu cố định trong 36 tháng, lãi suất là 9%/năm.

Hay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tiếp tục giảm lãi suất cho vay mua nhà từ 7,5%/năm xuống còn 7%/năm; lãi suất sau ưu đãi sẽ được tính theo lãi suất tiết kiệm 13 tháng + biên độ 3%.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, so với các kênh đầu tư khác thì kênh đầu tư bất động sản là tương đối ổn định ngay cả thời gian dịch bệnh.

Kênh đầu tư nào sẽ hút dòng tiền khi lãi suất ngân hàng ở mức thấp? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trừ một số phân khúc nhà ở nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch ở một số địa phương gặp khó khăn, còn lại nhiều phân khúc bất động sản tình hình khả quan, nhiều nơi còn tăng. Về lâu dài thì bất động sản vẫn là thị trường tiềm năng.

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, nhà đầu tư cần cẩn trọng, lựa chọn phân khúc thị trường phát triển bền vững, tránh đầu cơ nóng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết Ngân hàng Nhà nước tiếp tục áp dụng các biện pháp đồng bộ hướng tới các chuẩn mực quốc tế, tập trung vào các chỉ số an toàn, cả vi mô và vĩ mô, giảm lãi suất cho vay có thể để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng như cá nhân có nhu cầu vay vốn để mua nhà, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, chính đáng của người dân trong cho vay tiêu dùng, kể cả tiêu dùng bất động sản...

Song ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, do đó, Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, điều hành một cách chủ động, linh hoạt để tín dụng bất động sản tăng trưởng lành mạnh, bền vững.

Thời gian qua, tín dụng bất động sản luôn được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản tiếp tục xu hướng giảm. Theo đó, năm 2018 là 26,76%; năm 2019 là 21,53% và giảm mạnh trong năm 2020 là 9,97%.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Đặc biệt là đầu tư, kinh doanh bất động sản, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng, tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Nhiều chuyên gia cho rằng thời điểm này giá vàng tăng, giảm bất thường, dòng tiền vào các lĩnh vực khác cũng không hề dễ dàng kiếm lời, các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản, trái phiếu đều ẩn chứa rủi ro lớn, cũng như việc khó dự báo của thị trường, nên dù lãi suất thấp, tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh được ưu tiên vì tính an toàn.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được triển khai, trong khi chỉ số tiêu dùng CPI tháng 2 tăng 1,52% thì lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ có diễn biến tăng trở lại trong thời gian tới.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, mức lãi suất hiện nay vẫn dương so với tỷ lệ lạm phát. Nên gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn, phổ biến cho mọi đối tượng khách hàng, nhất là những khách hàng cá nhân không có quá nhiều hiểu biết về các kênh đầu tư khác.

Có thể thấy trong năm nay khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp thì thị trường vẫn còn nhiều bất ổn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng các nhà đầu tư cần thận trọng khi lựa chọn kênh đầu tư phù hợp và nên áp dụng nguyên tắc “không bỏ trứng vào một giỏ” để phân tán rủi ro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.