Kết nối cộng đồng trong thích ứng biến đổi khí hậu

Ngày 12/11, tại Hà Nội, WARECOD đã tổ chức hội thảo “Kết nối cộng đồng trong thích ứng với biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Gâm.”

Ngày 12/11, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên nước (WARECOD) tổ chức hội thảo “Kết nối cộng đồng trong thích ứng với biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Gâm” để đưa ra những đánh giá cũng như khuyến nghị cần thiết đẩy mạnh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cách tiếp cận mới mà WARECOD thực hiện là thay bằng các chuyên gia cảnh báo thì chính người dân nói về những tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống cũng như tài nguyên thiên nhiên ở địa phương.

Qua khảo sát người dân ở 16 huyện thuộc lưu vực sông Gâm ở 4 tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang và Bắc Kạn cho thấy hiểu biết của người dân về biến đổi khí hậu, về những rủi ro của biến đổi khí hậu trong tương lai còn hạn chế. Tại địa phương, các chương trình hỗ trợ khuyến nông cũng chưa thật sự hiệu quả, chưa chú trọng đến hình thái thời tiết bất thường đã, đang và sẽ xảy ra tại lưu vực...

Theo đánh giá của các địa phương trên lưu vực sông Gâm, cái được lớn nhất qua các dự án là nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thích ứng, phòng chống thiên tai, bảo vệ tài nguyên, tạo cơ sở để cộng đồng chia sẻ, kết nối với nhau.

Bà Ngần Thúy Đạt, Điều phối dự án của WARECOD cho biết để nâng cao kỹ năng cần thiết cho người dân trong thích ứng với biến đổi khí hậu cần dựa vào nhu cầu và điều kiện thực tế của người dân để cung cấp thông tin và hướng dẫn các kỹ năng cụ thể như kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, kỹ năng phản ứng trong những trường hợp khẩn cấp sạt lở, thiên tai.

Địa phương cần xây dựng và phát triển các mô hình quản lý dựa vào cộng đồng mà một trong những ví dụ đã và đang được nhân rộng là mô hình quản lý nghề cá tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Ngoài ra, việc bảo tồn các loài cây thuốc địa phương và nâng cao việc sử dụng y học cổ truyền là biện pháp giảm chi phí chữa bệnh, tăng tính chủ động cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt khi thiên tai xảy ra. Công cụ đem sản phẩm đến gần với người tiêu dùng hơn, tăng thêm thu nhập cho người dân trên lưu vực là xác định thế mạnh của địa phương, sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, cụ thể đã có nhãn hiệu chứng nhận rượu Ngô Na Hang.

Bà Ngần Thúy Đạt cũng cho rằng, xây dựng kế hoạch lồng ghép với biến đổi khí hậu cần phải đưa vào kế hoạch năm của cấp huyện. Công cụ hỗ trợ cho việc lồng ghép này có thể là xây dựng hồ sơ thiên tai, kịch bản kinh tế-xã hội như đã được áp dụng tại huyện Bảo Lâm và huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

"Một cơ chế chia sẻ thông tin hiệu quả sẽ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và triển khai các ý tưởng thích ứng với biến đổi khí hậu hữu hiệu," bà Đạt nhấn mạnh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục