Kết nối doanh nghiệp và thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Bỉ

Doanh nghiệp Việt-Bỉ đã thu hút sự tham gia của nhiều đại diện cấp cao từ cả hai phía, tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm và khám phá những tiềm năng hợp tác mới.
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU, Nguyễn Văn Thảo, phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Ngày 23/11, tại thủ đô Brussels đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Bỉ, sự kiện quan trọng nhằm kết nối và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước.

Sự kiện do Thương vụ Việt Nam tại Bỉ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Liên minh Bỉ-Việt (BVA) và các cơ quan xúc tiến thương mại thuộc các vùng của Bỉ tổ chức.

Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của nhiều đại diện cấp cao từ cả hai phía, tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm và khám phá những tiềm năng hợp tác mới.

Một trong những nhân vật nổi bật tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Bỉ là ông Andries Gryffoy, Phó Chủ tịch Thượng viện Bỉ kiêm Chủ tịch BVA.

Trong bài phát biểu, ông Gryffoy khẳng định Việt Nam hiện nổi lên là một trong những điểm đến năng động và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Phó Chủ tịch Thượng viện Bỉ chỉ rõ sự ổn định kinh tế của Việt Nam, vị trí chiến lược, cùng quá trình hội nhập mạnh mẽ vào thương mại toàn cầu và nền chính trị ổn định, bên cạnh dân số trẻ có trình độ ngày càng cao là những yếu tố tạo nên sức hút lớn đối với cộng đồng quốc tế.

Ông nhấn mạnh: “Bản sắc văn hóa độc đáo và hấp dẫn của Việt Nam là một điểm mạnh nổi bật, thu hút sự quan tâm từ các doanh nhân Bỉ.”

Sức hút nêu trên đã thể hiện qua các hoạt động hợp tác sâu rộng giữa hai quốc gia, với 95 dự án của Bỉ tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký đạt khoảng 1,1 tỷ USD.

Chủ tịch BVA cũng khẳng định vị thế chiến lược của Bỉ với hệ thống cảng biển lớn và cơ sở hạ tầng giao thông phát triển đã trở thành cửa ngõ quan trọng cho hàng hóa Việt Nam vào châu Âu.

Trong những năm gần đây, nhờ các cải cách pháp lý và ưu đãi tài chính, Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi quan trọng để cải cách khu vực tài chính, tinh giản các quy định kinh doanh và nâng cao chất lượng của lực lượng lao động.

Những nỗ lực này đã tạo ra môi trường thân thiện với các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU Nguyễn Văn Thảo đã bày tỏ vui mừng trước những kết quả hợp tác song phương ngày càng được củng cố và mở rộng.

Đại sứ nhận định tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, cần tiếp tục mở rộng, đặc biệt là trong những lĩnh vực như logistics, cảng biển và năng lượng tái tạo.

Tham gia sự kiện, đại diện các doanh nghiệp Bỉ đã có những đóng góp ý kiến thiết thực về những thuận lợi và khó khăn khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Ông François Coloval-Giám đốc công ty South Export Alliance-nhấn mạnh đối với doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường Bỉ, việc nắm rõ quy định là rất quan trọng vì Bỉ có 3 vùng chính quyền khác nhau gồm: vùng nói tiếng Hà Lan, vùng nói tiếng Pháp và vùng nói tiếng Đức.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, ông Coloval nhận thấy sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là về tính chuyên nghiệp và chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng vẫn còn một số thách thức khi xuất khẩu sang châu Âu, chủ yếu liên quan đến các quy định về bao bì và nhãn mác của từng quốc gia.

Mặc dù gặp phải những thách thức, ông Coloval đánh giá cao sự hợp tác với các đối tác Việt Nam và tin tưởng Việt Nam đang nắm giữ lợi thế cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực.

Ông cho rằng Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đã giúp Việt Nam có được sức cạnh tranh cao hơn so với các nước láng giềng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư vào Việt Nam và mở rộng thị trường, vốn được xem là khá mới mẻ và không dễ dàng xâm nhập.

Ông nhấn mạnh so với các nước khác trong khu vực sản xuất các sản phẩm tương tự, Việt Nam hiện sở hữu lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Trong khi đó, bà Elyse Kneller-đại diện công ty luật VBB-đã có những chia sẻ quan trọng về các quy định của EU liên quan đến sản phẩm chống phá rừng và cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

Bà cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần phải nắm rõ và nghiêm túc tuân thủ những quy định này nhằm đảm bảo không chỉ sự hợp pháp trong hoạt động kinh doanh, mà còn để gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường châu Âu.

Những quy định này có thể ảnh hưởng đến chi phí và khả năng thâm nhập của hàng hóa Việt Nam vào thị trường, do đó việc cập nhật và thích ứng kịp thời là rất cần thiết.

Bà Natalia Yerashevich-đại diện tập đoàn Ohana chuyên về phát triển bền vững-cho biết ngành dệt may tại EU đang chịu sự quản lý chặt chẽ của rất nhiều đạo luật. Nhiều quy định đã được ban hành, và còn nhiều quy định khác đang được xây dựng.

Để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường châu Âu, các nhà sản xuất dệt may Việt Nam cần chủ động theo dõi những thay đổi trong hệ thống luật pháp của EU.

Một trong những quy định sắp được đưa vào áp dụng là yêu cầu về thiết kế sinh thái, bao gồm việc sử dụng một lượng nhất định nguyên liệu tái chế trong sản phẩm.

Ngoài ra, còn có một quy định khác yêu cầu bắt buộc phải có “hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số” cho tất cả các sản phẩm dệt may xuất khẩu vào châu Âu.

Nhân dịp này, bà Đào Hồng Hải - Giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng Hanoi Station ở Brussels - đã giới thiệu Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Bỉ.

Tổ chức này được thành lập nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác và xuất nhập khẩu giữa thị trường hai nước nói riêng và châu Âu nói chung, tạo cầu nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Bỉ, hỗ trợ nhau trong quá trình tìm kiếm cơ hội kinh doanh và phát triển thị trường.

Đoàn đại biểu doanh nghiệp Việt Nam tham dự diễn đàn lần này do ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh - dẫn đầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội giới thiệu những sản phẩm độc đáo của mình tới thị trường Bỉ.

Nhiều loại sản phẩm đặc trưng được trưng bày, bao gồm các loại trà thảo dược, gia vị, và các sản phẩm chế biến từ dừa - loại cây trồng phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Những sản phẩm này không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường châu Âu về thực phẩm tự nhiên và an toàn.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Bỉ đã tạo dựng thành công nền tảng để các doanh nghiệp của cả hai nước thảo luận về chiến lược hợp tác dài hạn, mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục