Kết nối, phát huy giá trị các di sản để phát triển du lịch bền vững

Ngành du lịch Việt Nam đang chú trọng việc kết nối các di sản, hình thành các tour, tuyến mới của từng địa phương, vùng, liên vùng để khai thác, phát huy giá trị các di sản tiêu biểu.
Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. (Nguồn: TTXVN)

Di sản văn hóa, thiên nhiên là yếu tố quan trọng để khai thác, phát triển du lịch; ngược lại, du lịch cũng mang lại sức sống, góp phần tạo ra nguồn lực để tôn tạo, tu bổ, phát huy giá trị di sản.

Ngành du lịch Việt Nam đang chú trọng việc kết nối các di sản, hình thành các tour, tuyến mới của từng địa phương, vùng, liên vùng để khai thác, phát huy giá trị các di sản tiêu biểu.

Kết nối di sản để xây dựng thương hiệu du lịch

Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền văn hóa lâu đời và đậm đà bản sắc dân tộc. Đây chính là những yếu tố quan trọng tạo đà cho du lịch phát triển.

Cả nước có hơn 100 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; khoảng 40.000 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó trên 2.800 di tích được xếp hạng quốc gia.

Bên cạnh đó, đến cuối năm 2013, Việt Nam cũng có 18 di sản thế giới được UNESCO công nhận, trong đó có 2 di sản thiên nhiên, 5 di sản văn hóa, 8 di sản văn hóa phi vật thể và 3 di sản tư liệu.

Ngoài ra, Cao nguyên đá Đồng Văn cũng được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Du lịch Việt Nam đã dựa vào đó để hình thành các điểm đến, tổ chức kết nối điểm đến thành các tour, tuyến trọng điểm.

Cụ thể, ở phía Bắc tứ giác Hà Nội-Hạ Long-Hải Phòng-Ninh Bình bắt đầu được định vị.

Chuỗi miền Trung với trung tâm là Đà Nẵng kết nối với Huế.

Duyên hải Nam Trung Bộ có hai tâm điểm là Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Ở phía Nam, trung tâm là Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với các tỉnh lân cận.

Ở Tây Nguyên thì Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) là trung tâm của cả vùng.

Cùng với việc chọn một hoặc nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên nổi bật nhất hình thành các điểm đến tiêu biểu, từ đó kết nối với các điểm khác theo hệ thống tour, Việt Nam bắt đầu chú trọng đầu tư một cách đồng bộ về hạng tầng, dịch vụ, thông qua đó kết nối, tổ chức dịch vụ với cung ứng dịch vụ khác, đảm bảo để khách du lịch trong nước, quốc tế có thể tiếp cận với di sản; tuyên truyền, quảng bá di sản để xây dựng thương hiệu du lịch.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đặt ra rằng, để du lịch thật sự đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế, ngành du lịch cần tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ; đồng thời nghiên cứu nhu cầu của các đối tượng khách ở nhiều thị trường khác nhau, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, giá trị cao, phát triển thành thương hiệu du lịch nổi tiếng, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Đến nay, bước đầu Việt Nam đã khai thác, kết nối thành công các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên hình thành các trung tâm du lịch của khu vực, địa phương với các sản phẩm đồng bộ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Tuấn, những gì chúng ta làm được vẫn còn khiêm tốn và mới chỉ là bước đầu, còn rất nhiều việc phải làm.

Các cấp, ngành, địa phương và những người làm du lịch cả nước cần nỗ lực hơn nữa, thực sự bắt tay vào thực hiện thì các nguồn lực di sản này mới phát huy được giá trị, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong khai thác, phát triển và xây dựng thương hiệu du lịch.

Hướng tới kết nối di sản trong nước với thế giới

Xu hướng của du lịch trên thế giới hiện nay là mỗi quốc gia không thể đứng đơn lập mà cần có sự liên kết, cùng bắt tay hợp tác để phát triển.

Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung đó, điều này đặc biệt thể hiện rõ trong liên kết phát triển du lịch tạo điểm đến khu vực, đa quốc gia.

Việt Nam đã có chương trình kết nối khu vực “Ba quốc gia - một điểm đến” Việt Nam-Lào-Campuchia, trong đó tập trung kết nối giữa các địa danh, di sản biểu biểu của ba quốc gia.

Gần đây, Việt Nam cũng tham gia kết nối “Năm quốc gia - một điểm đến” gồm Việt Nam-Lào-Campuchia-Myanmar-Thái Lan. Đây là mô hình tiêu biểu cho sự kết nối, thúc đẩy phát triển du lịch của các quốc gia láng giềng trong khu vực hạ nguồn sông Mekong.

Khi tham gia các chương trình kết nối này, các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở cùng có lợi, cùng phát huy được giá trị các di sản nổi bật trong khu vực.

Năm Du lịch quốc gia 2015 là “Năm Du lịch quốc gia 2015-Thanh Hóa,” với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới.” Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo, phối hợp với Thanh Hóa tổ chức nhiều hoạt động, cùng với các hoạt động khác do các tỉnh Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế tổ chức.

Với chủ đề "Kết nối các di sản thế giới," Năm du lịch quốc gia 2015 sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của nhân dân về sự phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; góp phần phát triển du lịch văn hóa di sản các tỉnh/thành phố trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của các vùng, miền; xây dựng và nâng cao hình ảnh về du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Thanh Hóa nói riêng; đồng thời đẩy mạnh sự liên kết du lịch giữa các địa phương tham gia tổ chức Năm Du lịch nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch trong vùng cũng như liên vùng.

Những năm qua, Việt Nam đã chú trọng phát huy giá trị các di sản, khai thác để phát triển du lịch nhưng so kết quả đạt được vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, ngay cả với các di sản đã được thế giới công nhận.

Du lịch Việt Nam còn thiếu các khu du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc có tầm cỡ trong khu vực cũng như trên thế giới.

Mặt khác, một số di sản của Việt Nam có nguy cơ suy giảm giá trị do bị xâm phạm, xuống cấp...

Để thực hiện mục tiêu vừa kích cầu du lịch, vừa bảo vệ di sản, ở góc độ du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Tuấn cho rằng muốn phát triển du lịch dựa trên các di sản văn hóa, thiên nhiên thì công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và giữ gìn giá trị nguyên bản phải là điều cần làm đầu tiên.

Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư đồng bộ để mỗi di sản trở thành một điểm đến thực sự hấp dẫn gồm hạ tầng-dịch vụ-tổ chức dịch vụ-quản lý điểm đến đảm bảo an ninh, an toàn; đồng thời phải tạo sự nhận thức đúng của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư để người dân hiểu được giá trị của văn hóa, trực tiếp tham gia vào quá trình bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn, các giá trị văn hóa, thiên nhiên và họ cũng là người được hưởng lợi từ di sản đó.

Ngoài ra, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp du lịch cũng quan trọng, do đó phải có sự kết nối để tạo ra sức mạnh tổng hợp và sự lan tỏa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tăng sự hưởng lợi của cộng đồng, doanh nghiệp từ du lịch, từ đó mang lại sức sống cho di sản, thúc đẩy du lịch phát triển.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục